Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Mận “ngủ mùng”, mô hình nông nghiệp hiệu quả
Người đăng: Hồ Thị Huyền Trân .Ngày đăng: 12/07/2024 14:55 .Lượt xem: 7 lượt.
Đến tham quan mô hình Mận "ngủ mùng” của anh Trương Văn Arin tại thôn Châu Sơn, xã Quế An, huyện Quế Sơn chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự tâm huyết, mạnh dạn, dám đầu tư nhân lực, vật lực vào phát triển nông nghiệp. Với hướng làm nông nghiệp mới, áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật đã mang lại năng suất cao, thu nhập ổn định cho những người làm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Quế Sơn là huyện trung du của tỉnh Quảng Nam, địa hình phân bố thấp dần từ Tây sang Đông, trong đó hơn 60% địa hình đồi núi cao, về mùa mưa sẽ gây ra hiện tượng xói mòn đất và thoái hóa đất. Còn lại địa hình gò đồi và đồng bằng, với địa hình này luôn được phù sa bồi đắp nên thích hợp cho sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian qua, bên cạnh việc phát huy được những tiềm năng, lợi thế về điều kiện vị trí địa lý, tự nhiên và kinh tế - xã hội, huyện Quế Sơn đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án như: khuyến nông, khuyến lâm, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại,…Từ đó sản xuất nông nghiệp đóng góp khoảng 1.126,8 tỷ đồng, chiếm 13,14% trong cơ cấu kinh tế hàng năm của huyện.

Tại thôn Châu Sơn, xã Quế An, huyện Quế Sơn, anh Trương Văn Arin đã mạnh dạn đầu tư kinh phí 12 triệu đồng để bao lưới cho vườn mận với quy mô 100 cây/1.500 m2. Vườn mận của anh cho năng suất đạt được 100 kg mận/cây/năm; mỗi năm thu được khoảng 10 tấn quả. Nhờ phủ kín vườn mận bằng lưới nên hạn chế được sâu bệnh, đỡ tốn chi phí phun xịt và đảm bảo chất lượng trái, tiết kiệm được tiền phân bón, mận không bị sâu hại nên không bị rụng. Trồng trong mùng lưới khỏi tốn công bao từng trái, tiết giảm được nhân công bao trái, bọc ny-lon, hạn chế được dịch hại tấn công, đặc biệt là đối tượng ruồi vàng hại trái. Sử dụng phân bón hữu cơ nhưng trái mận vẫn lớn, ngọt, có mùi thơm đặc trưng và có được màu sắc bắt mắt, thị trường hiện đang rất ưa chuộng, khách tham quan vườn mận có thể hái trái trên cây ăn trực tiếp. Đồng thời, có thể tiết kiệm nước tưới, ứng phó tốt với thời tiết hạn hán, mưa bão; vì lớp lưới sẽ cách nhiệt giúp cho vườn mận giữ ẩm tốt hơn. Cách làm này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 Tham quan vườn mận của anh Trương Văn Arin 

Tác dụng của việc trùm lưới mùng

Phương pháp dùng lưới mùng trùm lên toàn bộ cây sẽ hiệu quả cao hơn so với phương pháp dùng túi ny-lon bọc từng chùm quả. Lưới mùng có diện tích che phủ lớn, do đó tạo nên độ liên kết cao. Những điều kiện thời tiết không ảnh hưởng nhiều đến trái bên trong. Lưới mùng giúp che nắng cho cây, chống hạn hán cho đất trồng, chống sâu rầy, ruồi vàng….

Chi phí mua lưới mùng cũng rất phải chăng. Trước đây khi mua túi ny-lon để bao quả, người ta phải chi phí khoảng 20 triệu đồng/ha/2 năm, chưa tính thêm tiền thuê nhân công bao trái mận. Nhưng với cách đầu tư như mô hình “trùm mền” của anh Arin chỉ tốn 12 triệu đồng/100 cây”. Cách làm này số tiền đầu tư ban đầu hơi lớn nhưng dùng được nhiều năm, tiết kiệm được chi phí về sau. Đặc biệt, lưới có tác dụng ngăn chặn ruồi vàng đục trái và các loại bướm đến đẻ trứng, nhờ vậy người trồng nơi đây hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn cho đất đai và cả cây trồng.

Lưới mùng còn có tác dụng che bớt sương muối, gió bấc bảo vệ cây không bị thui lá và gẫy cành. Lưới sẽ nâng đỡ tán cây thành 1 khối vững chắc ngăn ngừa gió làm rụng quả chính.

Mẹo chọn lưới mùng chắn côn trùng cho vườn mận

Nhiều loại lưới có  kích thước và mật độ khác nhau nhưng loại lưới chắn côn trùng 32 mesh là phù hợp nhất cho vườn trái cây.

Lưới côn trùng 32 lỗ có độ dày vừa phải, che chắn được hầu hết các loại sâu bọ có kích thước trên 1mm.

Được làm từ nhựa HDPE, dẹt bằng cách đan xen vào nhau tạo thành các ô vuông hoặc hình chữ nhật.

Đồng thời ô lưới rất thoáng, không gây nóng cho vườn cây được trùm.

Kích thước tấm lưới lớn, phù hợp với các diện tích che phủ rộng.

Độ bền: 2 - 3 năm, bà con chú ý chỉ căng trùm cây khoảng 2 tháng, sau khi thu hoạch xong thì lại gỡ ra.

Lưới rất gọn và dễ bảo quản, bà con nên để trong bao bì để tránh lưới bị móc, rách.

Cách giăng lưới mùng cho cả vườn mận

Đo đạc diện tích của vườn mận như chiều dài, chiều rộng, ước chừng độ cao.

May ghép lưới chắn côn trùng thành tấm lớn phù hợp với diện tích đã đo đạc trước đó.

Sử dụng thang để phủ lưới lên trên tán cây. Sau thời gian thu hoạch bà con có thể gỡ lưới ra để tán cây phát triển tiếp và bảo quản lưới cho những mùa vụ tiếp theo.


Giăng lưới cho vườn mận

Với phương pháp bao lưới mùng này đã tiết kiệm được thời gian, nhân công, giúp người dân nhàn rỗi hơn mà vẫn mang lại năng suất cao, giá thành ổn định. Hy vọng trong thời gian tới, những người làm nông nghiệp sẽ áp dụng đầu tư và nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững./.


Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông
[Trở về]






Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006471283

    Lượt trong ngày 2031
    Hôm qua: 2499
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 169
    Tổng số 6471283