Hình 1: Ông Nguyễn Phước Khanh - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Trẻ em khuyết tật phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Tham gia giảng dạy là kỹ sư chuyên ngành trồng trọt thuộc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam có chuyên môn về nông nghiệp và kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trồng trọt, và bảo vệ thực vật. Tài liệu sử dụng trong tập huấn có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, với nhiều hình ảnh đẹp, sinh động, cập nhập các thông tin mới, kiến thức và văn bản mới, phù hợp với trình độ của học viên và đáp ứng yêu cầu của lớp tập huấn. Các phương pháp giảng dạy như học lý thuyết kết hợp với thực hành, đưa ra chủ đề sinh động thảo luận nhóm, giảng dạy có sự tham gia thực hành, hướng dẫn cho các học viên thực hành ngay tại vườn rau Trung tâm.
Hình 2: Toàn cảnh lớp tập huấn tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Trẻ em khuyết tật
Trong buổi tập huấn, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên truyền đạt các nội dung như: Hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn, cách chọn giống cây trồng, thời vụ gieo hạt; cách chọn đất trồng, nguồn nước tưới; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho các loại rau trồng bảo đảm thời gian cách ly trước khi sử dụng; thời gian thu hoạch rau ăn lá, rau ăn quả, hướng dẫn về những lợi ích và hạn chế khi sử dụng màng phủ nông nghiệp, nhà lưới kính.....
Hình 3: Giảng viên nêu câu hởi thảo luận với các học viên tại lớp tập huấn
Ông Nguyễn Phước Khanh - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Trẻ em khuyết tật tỉnh cho biết, thông qua hoạt động giúp các em có thể vận dụng thực hành vào công việc trồng rau sạch, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày của các em tại trung tâm. Cùng với đó, nâng cao đời sống tinh thần, tạo môi trường học nghề để nạn nhân da cam, trẻ em khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng và chăm sóc cho 45 cháu là nạn nhân CĐDC/Dioxin và trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, bị nhiễm chất độc hóa học dẫn đến bị dị tật về sức khỏe thân thể.
Hình 4: Cán bộ Trung tâm, nạn nhân và trẻ em khuyết tật thực hành trồng rau sạch tại vườn rau Trung tâm
Thông qua tập huấn, cán bộ, nạn nhân và trẻ em khuyết tật tại trung tâm là những hạt nhân trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, truyền đạt kiến thức kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời xóa dần tập quán sản xuất truyền thống lạm dụng phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật hóa học từng bước xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững./.