Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Tăng cường chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc - gia cầm trong mùa lạnh
Người đăng: Lê Thương .Ngày đăng: 07/12/2017 10:11 .Lượt xem: 2654 lượt.
Ở một số nơi, không ít bà con nông dân chưa quan tâm đúng mức việc bảo vệ đàn gia súc – gia cầm, đặc biệt là khâu chăm sóc, nuôi dưỡng trong lúc thời tiết chuyển mùa, mưa lạnh kéo dài, làm sức đề kháng của vật nuôi suy giảm. Vì vậy mà gặp không ít rũi ro, làm thiệt hại lớn đến sản xuất chăn nuôi và hiệu quả kinh tế của gia đình.

Trong những năm qua, nhờ có những chủ trương định hướng đúng đắn của tỉnh, công với sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân mà ngành chăn nuôi của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể. Đàn gia súc, gia cầm ổn định về số lượng, cơ cấu giống, chất lượng con giống và giá trị sản phẩm chăn nuôi đã được cải thiện nhiều, góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung tăng trưởng liên tục.

Tuy nhiên, ở một số nơi, không ít bà con nông dân chưa quan tâm đúng mức việc bảo vệ đàn gia súc – gia cầm, đặc biệt là khâu chăm sóc, nuôi dưỡng trong lúc thời tiết chuyển mùa, mưa lạnh kéo dài, làm sức đề kháng của vật nuôi suy giảm. Vì vậy mà gặp không ít rũi ro, làm thiệt hại lớn đến sản xuất chăn nuôi và hiệu quả kinh tế của gia đình.

Để giúp bà con nông dân nắm bắt thêm một số kiến thức cơ bản nhằm áp dụng vào thực tế sản xuất, hạn chế  những rũi ro trong quá trình chăn nuôi, chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ trong mùa mưa lạnh, nhất là ở khu vực  miền núi.

I. Đối với chăn nuôi trâu bò

          Một là, về chuồng trại

1 - Tùy điều kiện mỗi địa phương mà sử dụng các vật liệu khác nhau để làm chuồng, nhưng phải chắc chắn và đảm bảo đủ diện tích nuôi nhốt trâu bò.

2 - Kiểm tra, gia cố lại nền chuồng, mái che, tường bao quanh.

3- Thường xuyên bổ sung thêm chất độn chuồng đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ trong mùa đông.

4- Dùng phên nứa hoặc bạt che chắn chuồng nuôi đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt vào làm ẩm, ướt.

* Trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, hoặc mưa nhiều người chăn nuôi cần thực hiện dồn trâu, bò về chuồng, lán tạm.

1- Tuyệt đối không thả rông tự do ngoài đồng, ngoài bãi chăn thả, trên rừng qua đêm.

2 - Có thể thực hiện biện pháp chống rét cho trâu, bò vào ban đêm bằng cách dùng chăn, bao tải khoác cho trâu, bò,

3- Hoặc có thể dùng bóng điện, đốt than củi, trấu, rơm… để sưởi ấm cho trâu, bò đặc biệt là trâu, bò già, bê, nghé (do khả năng chống lạnh kém).

Hai là, về thức ăn

* Trước khi bước vào mùa mưa lạnh :

- Chuẩn bị đầy đủ cây thức ăn cho trâu, bò. Nếu có đất trồng cỏ hoặc bãi chăn chủ động thì  đảm bảo diện tích khoảng 300 m2/con (đủ theo nhu cầu ăn tự do).

- Tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến, dự trữ thức ăn cho đàn trâu, bò, đặc biệt là rơm, thân, lá cây ngô, ngọn lá sắn... để bảo quản khô hoặc hoạch ủ chua, dự trữ để bổ sung phần thiếu hụt thức ăn trong mùa mưa lạnh (đảm bảo mỗi hộ chăn nuôi tối thiểu có 01 cây rơm dự trữ).

* Trong mùa mưa lạnh (trời rét nhẹ) : Sau khi chăn thả về, ban đêm cho trâu, bò ăn thêm 10-15 kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 7 - 10 kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 2 - 3 kg rơm, 1 - 2 kg thức ăn tinh, cho uống nước ấm pha muối loãng (20 - 30g muối/con/ngày).

* Khi trời rét đậm, rét hại, cho trâu, bò nghỉ làm việc, nuôi nhốt hoàn toàn tại chuồng, cho ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, khẩu phần ăn từ 30 - 40 kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 26-34 kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 3-4 kg rơm, 1-2 kg thức ăn tinh, cho uống nước ấm pha muối loãng (20-30g muối/con/ngày).

* Không cho ăn các loại thức ăn bị nấm mốc, ôi thiu. Thắc ăn thô xanh thu hái trong mùa mưa cần rửa bằng nước sạch, hong cho ráo nước trước khi chi ăn để tránh bị ngộ độc hoặc nhiễm bệnh đường ruột.

          Ba là, về chăm sóc, nuôi dưỡng

- Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng và đảm bảo sức khoẻ cho đàn trâu, bò để chống rét, chống bệnh dịch.

- Những con trâu, bò già, yếu cần có kế hoạch nuôi vỗ béo để bán giết thịt, hoặc phải có chế độ chăm sóc đặc biệt để đảm bảo sức khoẻ chống lại đói, rét trong vụ đông - xuân.

- Đối với bê, nghé cần có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng với bệnh, dịch và giá rét trong mùa mưa lạnh. Buổi sáng nên thả trâu bò ra bãi chăn trể, buổi chiều cho trâu bò về chuồng sớm.

- Nếu nhà có điều kiện thì có thể bổ sung thêm thức ăn có dinh dưỡng cao như : rĩ mật đường, bánh đa dinh dưỡng ...và sử dụng một số thuốc tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò.

Bốn là, về phòng, chống bệnh dịch

- Thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm cho 100% số trâu, bò, bê, nghé trong diện phải tiêm phòng định kỳ 2 lần/năm (vụ Xuân – Hè vào tháng 3-4, vụ Thu - Đông vào tháng 9 - 10) hoặc tiêm phòng bổ sung cho trâu, bò chưa được tiêm phòng chính vụ, theo quy định của thú y.

- Tổ chức tẩy ký sinh trùng đường máu, ký sinh trùng đường ruột cho trâu, bò, bê, nghé (tiên mao trùng, giun đũa cho bê, nghé,...).

- Định kỳ thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi theo phương pháp ủ phân bằng vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

- Hàng ngày kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn trâu, bò để có biện pháp xử lý kịp thời khi bệnh dịch xảy ra. Khi thấy trâu, bò có những biểu hiện khác thường như: bỏ ăn, sốt cao, đi lại chậm chạp, không nhai lại... cần báo ngay với cơ quan Thú y để kiểm tra theo dõi và có biện pháp phòng trị .

- Không mua thịt gia súc bị bệnh về sử dụng, không tiếp xúc với các ổ dịch nếu không có nhiệm vụ liên quan. Thực hiện đúng và đầy đủ qui trình phòng chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra

II. Đối với Chăn nuôi gia cầm

          Gia cầm (chủ yếu là gà) có sức đề kháng yếu, rất mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết trong mùa mưa lạnh, đặc biệt là ở khu vực miền núi, trong khi đó việc phòng bệnh cho gà ở miền núi của bà con còn nhiều bất cập.

          Vì vậy bà con cần lưu ý một số nội dung sau:

* Về khâu con giống:

Nếu là con giống mua từ nơi khác về nuôi thì cần lưu ý là phải có xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận kiểm dịch động vật, tiêm phòng vac xin. Tốt nhất nên nhập từ các cơ sở có uy tín và đã được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.  

Sau khi nhập gà nuôi phải lên kế hoạch tiêm phòng cho gà.

* Về chuồng nuôi gà:

          - Chọn khu đất cao ráo, thoáng mát để cất chuồng nuôi gà. Nếu nuôi gà trong nông hộ theo phương thức thả vườn cần có chuồng, xung quanh vườn phải có hàng rào bao quanh, chuồng là nơi để tránh mưa nắng và ngủ đêm, mật độ vườn thả gà đảm bảo ít nhất 1 con/m2.

          - Tổ chức nuôi úm gà từ 1 – 30 ngày tuổi. Nếu có nơi nuôi úm tốt thì tỷ lệ hao hụt sẽ thấp và dễ dàng trong khâu làm vacxin cho gà. Bà con có thể dùng cót tre, nứa hoặc ván mỏng để làm thành cái quây nuôi úm, tùy vào số lượng gà nuôi úm có thể bố trí các bóng đèn điện tròn treo phía trên để điều chỉnh nhiệt độ theo nhu cầu.

          - Chuồng nuôi gà lớn có thể làm đơn giản bằng vật liệu rẻ tiền như: Tre, nứa, luồng, lá cọ, tranh, rạ... hoặc xây chuồng với mái lợp bằng tôn lá hoặc ngói. Trong chuồng, trong vườn cần bố trí đủ các máng ăn, máng uống được làm bằng các vật dụng rẻ tiền, tận dụng, nhưng phải đảm bảo sạch sẽ, không gây nguy hiểm cho gà.

* Về thức ăn và nước uống cho gà

          Thức ăn cho gà có thể tận dụng từ nguồn sẵn có tại địa phương như sắn khô, bắp, lúa, cám gạo và thức ăn gà tự tìm kiếm trong môi trường như giun, dế, mối, côn trùng khác...nhưng phải đảm bảo yêu cầu:

- Không cho gà ăn thức ăn ẩm mốc, ôi thiu. Không dùng thức ăn quá hạn sử dụng.

- Không để gà uống nước bẩn và nước quá lạnh dễ gây các bệnh đường ruột và truyền nhiễm .

* Về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng

Gà con cần nhiệt độ môi trường cao hơn, trong khi mùa mưa lạnh nhiệt độ môi trường thấp dễ ảnh hưởng đến thân nhiệt. Chính vì vậy cần tổ chức nuôi úm để đảm bảo đủ nhiệt cho cơ thể.

- Có thể nuôi úm trên lồng cách đất hoặc nuôi úm trên nền có chất độn chuồng: Dùng bóng điện công suất 75 – 100 w để tạo nhiệt sưởi ấm.

Quan sát phản ứng của gà đối với nhiệt độ để điều chỉnh cho phù hợp nguồn nhiệt cho thích hợp

+ Nhiệt độ vừa phải: gà nằm rải rác đều khắp chuồng, đi lại, ăn, uống bình thường.

+ Nhiệt độ thấp: gà tập trung lại gần nguồn nhiệt, đứng co ro run rẩy hoặc nằm chồng lên nhau.

+ Nhiệt độ cao: gà tản xa nguồn nhiệt, nằm há mỏ thở mạnh, uống nhiều nước.

+ Gió lùa: gà nằm tụm lại ở góc kín trong chuồng cuối hướng gió.

- Sử dụng rèm che: Tuỳ điều kiện và thời tiết mà sử dụng rèm che cho thích hợp.

- Thức ăn cho gà: Ngày đầu tiên chỉ cho gà ăn tấm hoặc ngô nghiền nhuyễn. Lưu ý không để TĂ bị ẩm dễ gây ngộ độc độc tố.

Từ ngày thứ hai trở đi cho gà ăn bằng cám hỗn hợp hoặc có thể sử dụng thức ăn đậm đặc hoặc thức ăn hỗn hợp trộn với thức ăn địa phương cho gà ăn. Cho thức ăn vào mẹt, khay tôn, khay nhựa hoặc máng bằng tre luồng để cho gà ăn. Trộn thuốc phòng bệnh cầu trùng vào trong thức ăn cho gà từ ngày thứ 7 trở đi. Thay giấy lót đáy chuồng và dọn phân mỗi ngày sạch sẽ.

 * Nước uống:

- Nhận gà về cho gà nghỉ 10 - 15 phút rồi cho uống nước sạch có pha đường glucoza và Vitamin C để chống stress cho gà. Chỉ cho gà ăn sau khi đã được uống nước.

Có thể sử tận dụng các vật dụng như hộp nhựa, ống bương bằng tre lồ ô, ống bằng nhựa cắt đôi...để làm máng uống cho gà

 

Đối với việc nuôi gà từ 4 tuần tuổi đến khi giết thịt:

- Tuyệt đối không thả gà ra vườn vào những ngày trời mưa, rét đậm. Nhốt hoàn toàn trong chuồng kín gió, không bị mưa tạt và cho ăn thức ăn chủ động tại chuồng.

- Những ngày trời ít mưa, ít rét thì có thể cho ra vườn để lấy thêm thức ăn trong vườn. Tuy nhiên phải thả trễ và nhốt sớm để gà không bị ảnh hưởng. Cần bổ sung thêm thức ăn cho gà vào buổi chiều trước khi gà lên chuồng bằng lúa, tấm, cám, giun đất...

          - Đảm bảo đủ nước uống sạch và ấm tại chuồng cho gà.

 

* Về vệ sinh thú y phòng trừ dịch bệnh:

 

          - Một là, phải thực hiện đầy đủ việc phòng bệnh bằng vacxin cho gà đối với một số bệnh phổ biến và nguy hiểm sau: Bệnh Newcastle (gà rù hay dịch tả gà), Bệnh gumboro, Bệnh đậu gà (trái gà), Bệnh Tụ huyết trùng (toi gà), phòng cầu trùng. Đây là những bệnh thường phát sinh và gây thiệt hại rất lớn đối với gà khi thời thiết thay đổi và mưa lạnh kéo dài.

- Hai là, định kỳ phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực nuôi để tiêu diệt mầm bệnh.

- Ba là, vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, mưa lạnh kéo dài nếu có điều kiện bà con có thể cho ăn thêm thức ăn giàu dinh dưỡng, cho gà uống thêm nước pha đường glucoza, vitamin C hoặc các chất điện giải để tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật.

- Ngoài ra, kinh nghiệm của một số nơi có thể dùng trái bồ kết đốt để xông khói trong chuồng nuôi và dùng nước tỏi cho uống thì công dụng phòng bệnh cho gà rất tốt.

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Phòng chống nóng cho gia súc, gia cầm
Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo cỏ trong nông hộ (Phần III: Phòng, trị một số bệnh thường gặp)
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CHĂN NUÔI DÚI
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT NUÔI NHÍM
Một số điều lưu ý về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Các tin cũ hơn:
KỸ THUẬT CHĂN NUÔI DÊ
Cần đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi vỗ béo bò
Kỹ thuật trồng một số loại cây làm thức ăn cho gia súc
Xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi - một số công nghệ mới
Quy trình ủ chua cỏ xanh dự trữ làm thức ăn cho gia súc
Kỹ thuật nuôi trùn quế
Những điều cần biết về tinh phân biệt giới tính trên vật nuôi
Chất thải trong chăn nuôi và một số biện pháp xử lý
Bệnh liên cầu khuẩn lợn và biện pháp phòng trị
Nuôi nhông trên cát
    
1   2   3  
    






Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006472556

    Lượt trong ngày 3304
    Hôm qua: 2499
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 129
    Tổng số 6472556