Mô hình được triển khai tại xã Điện Phong, Điện Trung, thị xã Điện Bàn; với quy mô: 24 con bò thịt/2 hộ; giống bò lai BBB, nuôi thịt, giai đoạn 10-13 tháng tuổi. Qua 8 tháng thực hiện (từ tháng 4/2023 đến đầu tháng 12/2023), mô hình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.
Hình 1: Bò lai BBB trong mô hình ở thời điểm 10 tháng tuổi
Đối với các chỉ tiêu kỹ thuật như sinh trưởng, phát triển thu được từ mô hình đạt với yêu cầu đề ra: Tỷ lệ nuôi sống đạt 100%; Tăng trọng trung bình: 1.040 gam/con/ ngày. Các chỉ tiêu kỹ thuật đảm bảo theo yêu cầu đề ra, đây là nền tảng, cơ sở quyết định đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Về hiệu quả kinh tế: Giống bò lai siêu thịt này có đặc điểm lớn nhanh, nhiều thịt, thịt thơm, mềm, lại không tích mỡ. Trong quá trình theo dõi, giai đoạn pha nuôi lớn, có những con bò tăng trọng xấp xỉ 900g/ngày, giai đoạn sắp đưa vào pha nuôi vỗ béo tăng từ 1,2kg/ngày. Với máy băm cỏ cho bò chỉ từ 5-10 phút, bà con đã có thể có được phần cỏ mịn và nhỏ có thể cho bò ăn ngay. Việc băm nát cỏ ra thành mảnh nhỏ sẽ giúp cho bò tiêu hóa được tốt hơn, bò ăn được nhiều thức ăn thô xanh hơn, tăng năng suất và sức khỏe vật nuôi cũng được nâng cao hơn. Sử dụng máy băm cỏ sẽ tiết kiệm được khá nhiều công sức hay chi phí thuê nhân công, giảm chi phí mua thêm thức ăn tinh, giảm thiểu sức lao động chân tay cho con người. Ngoài ra, mô hình liên kết được với các chủ thu mua nhằm tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi, khắc phục được hiện tượng giá bán bấp bênh, không ổn định, theo kiểu “được mùa mất giá”; giúp người dân an tâm đầu tư sản xuất và mang lại lợi nhuận cao.
Hình 2: Máy băm cỏ dùng băm thức ăn thô xanh cho bò
Về xã hội: Qua việc tiếp cận với phương thức nuôi mới, nhờ áp dụng các biện pháp an toàn trong quá trình trực tiếp tham gia chăn nuôi và kết quả mô hình mang lại đã mở ra cho bà con nông dân một cách thức làm ăn mới: Chăn nuôi bán thâm canh an toàn dịch bệnh, tận dụng thời gian nông nhàn, tận dụng các thức ăn có sẵn tại địa phương như ngô, cám, tấm... để phối trộn thức ăn nuôi heo hiệu quả, hình thành một tập quán chăn nuôi có kiểm soát dịch bệnh an toàn.
Hình 3: Hố ủ chua làm thức ăn thô xanh cho bò
Về môi trường: Song song với quá trình thực hiện mô hình, người chăn nuôi cũng thực hiện công tác vệ sinh thú y theo đúng quy trình, chủ động công tác vệ sinh thú y phòng bệnh bằng các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng, thực hành chăn nuôi an toàn sinh học. Tuyên truyền, nâng cao ý thức người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn sinh học. Môi trường chăn nuôi được sạch sẽ, không còn bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi gây ra nhờ mô hình đã chuyển giao cho người dân kỹ thuật thu gom chất thải để ủ bằng men vi sinh, tạo nguồn phân bón hữu cơ để cải tạo đất sản xuất, giảm chi phí phân bón, đem lại hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội một cách bền vững.
Với những kết quả đạt được khá toàn diện, đem lại hiệu quả kinh tế và được người dân hưởng ứng cao. Hy vọng mô hình này sẽ được duy trì và nhân rộng trên toàn tỉnh trong thời gian đến./.