Nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam
1. Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt ở vùng cát ven biển và vùng cao triều
Nuôi tôm với quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, công nghệ sinh học mới, hình thức nuôi thâm canh, theo hướng VietGAP, đặc biệt trong nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt ở vùng cát ven biển và vùng cao triều, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và đảm bảo sản xuất được bền vững.
Đối với hình thức nuôi này, hệ thống công trình ao nuôi được lót bạt chống thấm, có hệ thống bơm, lọc nước biển cũng như xử lý nước thải cơ bản hoàn chỉnh, các thiết bị máy móc được trang bị đầy đủ, liên hoàn như hệ thống sục khí, quạt nước, máy nổ, có điện hạ thế phục vụ cho việc bơm nước, hút bùn, sục khí, thắp sáng…, xung quanh ao được rào lưới chắn.
Năng suất nuôi tôm thẻ trên ao lót bạt ở vùng cát ven biển đạt 10 - 12 tấn/ha/vụ, mỗi năm có thể nuôi 2 - 3 vụ, đối với nuôi tôm thẻ lót bạt ở vùng triều thì năng suất từ 7 - 10 tấn/ha/vụ, có thể nuôi 2 vụ/năm; thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng/ha/vụ.
Điển hình có một số cơ sở, trang trại nuôi tôm đem lại hiệu quả cao như: Doanh nghiệp tư nhân Phước Thành, Tam Hòa - Núi Thành, diện tích nuôi: 7 ha, sản lượng thu hoạch: 100 tấn/năm; Cơ sở nuôi tôm Nghĩa Thương, Tam Hải - Núi Thành, diện tích nuôi: 5 ha, sản lượng: 70 tấn/năm; Cơ sở nuôi tôm Hạnh Cần, Bình Hải - Thăng Bình, diện tích nuôi: 4 ha và sản lượng thu hoạch 60 tấn/năm.
Với hiệu quả đem lại, việc nuôi tôm trên cát trong thời gian đến sẽ tiếp tục được phát triển, các quy trình kỹ thuật tiên tiến nhất cũng sẽ được áp dụng, nâng cao năng suất, sản lượng, tạo nguồn sản phẩm có chất lượng phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
2. Nuôi ghép tôm, cua, cá kết hợp trồng rong câu ở vùng triều
Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm ở vùng triều bị ô nhiễm, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, nên hàng trăm hecta bỏ trống vì nuôi không hiệu quả. Để có thể sử dụng có hiệu quả diện tích mặt nước vùng triều, hạn chế dịch bệnh xảy ra, Trung tâm Khuyến nông đã tập trung xây dựng các mô hình chuyển đổi các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao như Cua xanh, cá đối mục… được đưa vào nuôi xen canh, luân canh trong các ao nuôi tôm nước lợ rất phù hợp, có hiệu quả về kinh tế và môi trường. Những đối tượng nuôi này thích nghi tốt với các điều kiện ao nuôi hiện tại ở vùng triều, thời gian nuôi ngắn và tương đối dễ nuôi; chi phí vừa phải phù hợp với khả năng đầu tư của đa số hộ gia đình, thị trường tiêu thụ dễ dàng, đầu ra sản phẩm ổn định, giá bán cao, đem lại thu nhập khá cho người dân.
Các mô hình nuôi xen canh (nuôi ghép) hoặc nuôi luân canh một số đối tượng thủy sản nước lợ như tôm, cua xanh (từ giống cua bột sản xuất nhân tạo), cá đối mục, cá măng, cá dìa kết hợp trồng rong câu… trong ao nước lợ tại khu vực vùng triều đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho các hộ gia đình; với năng suất tôm sú từ 1 - 1,5 tấn/ha, tôm thẻ chân trắng 3 - 6 tấn/ha, cua 1,5 - 2 tấn/ha, cá từ 2 - 3 tấn/ha, thu lãi từ 130 - 150 triệu đồng/ha, tăng 20 - 25% so với sản xuất đại trà.
Thành công của các mô hình nuôi thủy sản nước lợ trong thời gian qua đã mở ra hướng mới, góp phần chuyển đổi các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, giúp tăng được năng suất, chất lượng và giá trị, tạo sản phẩm nuôi đa dạng, gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Song, nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm của tỉnh ta nói riêng vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Tuy đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cho nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, nhất là khi triển khai mở rộng hình thức nuôi trồng thủy sản trang trại, tập trung, sản xuất hàng hóa lớn. Công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa chặt chẽ, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, khó kiểm soát. Trình độ người nuôi còn hạn chế, sản xuất còn riêng lẻ, manh mún, theo hộ gia đình, phần lớn làm theo kinh nghiệm, đầu tư thấp, thiếu vốn nên việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học không thường xuyên, hiệu quả mang lại chưa cao. Việc tiếp cận của nông dân với các dịch vụ sản xuất, thông thị trường, xúc tiến thương mại chưa rộng, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện tại và phát triển lâu dài, thị trường ít ổn định nên làm cho người nông dân chưa mạnh dạn trong quá trình đầu tư phát triển quy mô sản xuất. Hiện nay, số mô hình được chứng nhận là an toàn, sản phẩm VietGAP còn rất ít, những sản phẩm được sản xuất theo hướng an toàn chưa đủ sức cạnh tranh.
Trong thời gian đến, để phát triển nuôi thủy sản nước lợ bền vững, an toàn dịch bệnh và môi trường, các địa phương, hộ nuôi cần nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn trên cơ sở những định hướng chung của ngành nông nghiệp.
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn phát triển nuôi trồng thủy sản, trong nuôi thủy sản nước lợ, xác định con tôm là đối tượng nuôi chủ lực, hướng dẫn đầu tư phát triển nuôi tôm thẻ thâm canh cho năng suất cao tại các vùng nuôi tôm bằng hình thức lót bạt. Khuyến khích người dân chuyển sang phát triển nuôi các đối tượng khác như cua, cá, rong câu tại các ao nuôi tôm kém hiệu quả ở vùng triều ven sông nhằm đa dạng hóa đối nuôi, giảm rủi ro do dịch bệnh gây ra trong đó chú trọng đến vấn đề thị trường.
- Tiếp tục triển khai quy hoạch nuôi tôm thẻ lót bạt tạm thời đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và quy hoạch tổng thể ngành thủy sản. Tiếp tục hướng dẫn xây dựng phương án kỹ thuật nuôi và xử lý nước thải cho các hộ nuôi tôm trên cát nằm trong quy hoạch để giúp các cá nhân, tổ chức ổn định sản xuất.
- Triển khai, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân thực hiện tốt hướng dẫn sản xuất, lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản hằng năm của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam.
- Thực hiện giám sát môi trường và bệnh chủ động trên thủy sản nuôi để phát hiện, cảnh báo sớm các vấn đề về môi trường, mầm bệnh giúp người nuôi phòng ngừa và có biện pháp kỹ thuật nuôi phù hợp.
- Kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, khu Kiểm định sản xuất giống thủy sản tại Bình Nam - Thăng Bình. Phối hợp với các đơn vị, địa phương, nhà đầu tư liên quan thực hiện các dự án đầu tư, cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản (theo Quyết định 27/2016/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 của UBDN tỉnh Quảng Nam).
|