Đi Hoàng Sa tác nghiệp
Sáng ngày 10/5, nghe tin Kiểm ngư Việt Nam có tàu ra Hoàng Sa, tôi leo lên xe máy phóng 80km/h đến cảng Tiên Sa. Đến cảng, thấy anh em phóng viên các báo đã ở trên tàu mang số hiệu HP 926. Còi tàu hụ chuẩn bị rời cảng. Chỉ kịp dựng chiếc xe trên cầu cảng, vứt chiếc chìa khóa cho một anh Kiểm ngư viên không quen biết với lời nhắn vội “Em gửi xe, về sẽ tìm anh” rồi phóng lên tàu. Xuất trình thẻ nhà báo, giấy tờ và ước nguyện đi Hoàng Sa, các anh gật đầu đồng ý. Vừa lên tàu, tàu hụ còi rời cảng.
Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi đưa ra một quyết định quan trọng chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, thế mà lần này tôi đưa ra quyết định, mà lại là quyết định lên tàu ra Hoàng Sa. Điều khó tin hơn, người quyết định cho tôi đi còn “khẩn hơn”, quyết định của các anh chỉ bằng cái gật đầu. Thế là tôi là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt trên chuyến tàu ra “vùng chiến sự” Hoàng Sa với hành trang là một chiếc giỏ xách đựng máy quay, máy ảnh, máy tính và… bộ đồ mặc trên người.
Lên tàu, tưởng chỉ mỗi mình mình không kịp chuẩn bị gì, hỏi quanh anh em, ai cũng hành trang là túi đựng đồ nghề và bộ đồ mặc trên người và nụ cười tươi… hơn hoa. Một chuyến tác nghiệp mang tính lịch sử!
Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam
Tàu đưa chúng tôi ra Hoàng Sa thuộc biên chế Kiểm ngư Việt Nam nhưng lại là con tàu có chức năng cứu hộ cứu nạn và ứng phó sự cố dầu tràn trên biển. Tàu được thiết kế chịu sóng vô cấp, dềnh dàng nhưng chắc chắn.
Vật vã…
Giàn khoan Hải Dương-981 cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 117 hải lý nhưng cách cảng Tiên Sa đến 190 hải lý (hơn 350km) về hướng Đông Nam. Dù là giữa hè nhưng trên biển Đông đã có gió Tây Nam nên biển động mạnh, sóng giật cấp 6, cấp 7.
Vì thế, chặng đường 190 hải lý từ Đà Nẵng đi Hoàng Sa là chặng vật vã không chỉ với cánh báo chí mà cả với những Kiểm ngư viên. Trong đêm vượt biển đến với Hoàng Sa, sóng gió dữ dội. Chiếc tàu Kiểm ngư loại lớn nhưng dần dần bé nhỏ giữa trùng khơi. Biển động mạnh. Tàu lắc lư như muốn úp xuống biển. Mặt biển cao hơn tàu gần cả chục mét. Mọi hoạt động của con người lắc lư theo con tàu. Không quen với sóng lớn, phần lớn phóng viên trên tàu không chịu nổi sóng dập đều phải nằm vật trên sàn tàu… Đi tàu gặp sóng lớn, đến những việc nhỏ thường nhật như ăn cơm, uống nước, tắm gội,… cũng trở nên hết sức khó khăn. Giữa biển khơi, chúng tôi chính thức bị “cách ly” với trên bờ vì sóng điện thoại không có.
Biết chúng tôi không quen với sóng biển, thuyền phó Nguyễn Bưởi, hạ lệnh cho anh em thuyền viên nhường giường ngủ trong khoang cho cánh phóng viên với lý do: “Anh em Kiểm ngư chúng tôi chịu sóng quen rồi nên có thể ngủ bất cứ ở đâu, còn các anh phải có giường mới ngủ được”. Nói vậy nhưng không phải vậy! Cánh nhà báo nhanh chóng rời khoang ngủ ra nằm vật vã trên những thùng hàng đặt ở phía sau tàu vì không chịu nổi mùi dầu máy. Nhiều anh em cố bám trụ ở khoang ngủ thì đến giữa khuya, khi sóng cấp 4, cấp 5, phải bò ra nhà vệ sinh “hò dô ta”. Khoảng 2 giờ sáng ngày 11/5, sóng gió thêm mạnh cấp 6, cấp 7 cộng với “sức cùng lực tận”, nhiều phóng viên không tự đứng dậy để ra nhà vệ sinh “hò dô ta” mà chỉ đủ sức bò ra bệ cửa… Bẹp dí.
Chúng tôi, những người thuộc diện khỏe mạnh nằm ngủ ở những thùng hàng phía sau tàu đến khuya cũng phải bỏ chạy vì những đợt sóng vỗ mạn tàu phủ ướt. Hết chỗ “đẹp”, chúng tôi buộc phải lên sàn tàu ở tầng 2 để ngủ, dù biết, càng lên cao càng lắc lư dữ dội. Ở tầng 2, ban đầu chúng tôi nằm tề chỉnh trên gối, chiếu nhưng sau những đợt sóng dập, mọi người đều thả mình lăn tự do qua lại trên sàn tàu vì không còn đủ sức để gượng lại.
4 giờ sáng, chúng tôi đã nằm trong vùng biển Hoàng Sa. Giữa biển, trời sớm sáng, 4 giờ đã thấy mặt trời nhô lên từ biển sáng rực. Biển lóng lánh xanh mướt. Sau gần 20 giờ nằm vật vã trên tàu và một đêm sóng dần gió dập tơi bời, sáng ra nhìn quanh chỉ vài anh em phóng viên còn sức dậy rửa mặt và ra boong hít thở, phần lớn anh em vẫn bẹp dí trong những khoang tàu.
Bữa sáng đầu tiên của chúng tôi trên biển Hoàng Sa là mì tôm. Chưa bao giờ chúng tôi thấy bữa điểm tâm mì tôm lại thơm ngon đến vậy. Thơm, ngon nhưng ai cũng chỉ ăn vội một hai chén rồi lo chạy ra boong vì không thể chịu nổi ăn uống trong sự lắc lư ở buồng kín. Nếu như buổi ăn tối trước đó tương đối đầy đủ anh em thì bữa sáng thưa vắng đến một nửa. Nửa còn lại đang vật vã với những trần say sóng ở trong khoang, ở trên boong và ở trên sàn tàu.
Hàng chục tàu Hải cảnh, dịch vụ và cả tàu cá giả dạng bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam
Thấy hai đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Tiền Phong và VOV lả người vì say sóng, ăn không được nằm vật vã trên giường, Đường - Kiểm ngư viên - lấy hai phong lương khô đưa cho hai người. Thế nhưng, vài giờ đồng hồ sau, cả hai đồng nghiệp của chúng tôi vẫn không thể ăn được lương khô vì… không đủ sức để bóc phong bao.
Vây ráp… chào nhau
9 giờ 15 ngày 11/5, chúng tôi đến tọa độ X, nơi tập kết quân, cách giàn khoan Hải Dương-981 chừng 10 hải lý. Ngay tức khắc, “chào” tàu chúng tôi là một nhóm 11 tàu các loại của Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh, tàu hàng, tàu dịch vụ,… vây quanh, áp sát trong nhiều giờ đồng hồ liên tiếp. Trên đầu, nhiều chiến đấu cơ và máy bay do thám của Trung Quốc quần thảo. Biên đội tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ tại vị trí mặc cho những hành động gây hấn vây quanh. Anh em chúng tôi, những “nhà báo đất liền” lần đầu tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió, dù đang lả người nhưng đều bật dậy để tác nghiệp. Quay phim, chụp ảnh trong cái lắc lư, chao đảo của tàu. Đến đầu giờ chiều, thêm một lần nữa, hàng chục tàu các loại của Trung Quốc vây ráp các tàu Kiểm ngư trong biên đội chúng tôi với những hành động tương tự.
Biên đội trưởng Biên đội Kiểm ngư Việt Nam vùng 4, Vũ Đức Tạo, người có mặt tại đây từ ngày 3-5, nửa đùa nửa thật trấn an: “Mỗi lần có tàu mới xuất hiện là hàng chục tàu các loại của Trung Quốc và cả máy bay vây đến để… chào nhau. Dần dần, các anh sẽ quen cả thôi”.
Trước lúc chia nhóm để tác nghiệp, ông Phan Đình Cát, phụ trách Kiểm ngư Việt Nam vùng 4, tâm sự: "Khi các anh trên bờ, các anh là nhà báo, còn khi đã bước lên tàu ra đây thì các anh là phóng viên chiến trường, là chiến sĩ. Chúng ta cùng đấu tranh để thấy sự hung hăng của tàu Trung Quốc khi đâm va, dùng vòi rồng tấn công tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam".
Chiều 11/5, nhóm phóng viên chúng tôi được chia ra 5 mũi để tác nghiệp. Mỗi lượt tàu đến đón, anh em chúng tôi lại bịn rịn chia tay nhau. Không ai nói với ai lời nào, chỉ để những cặp mắt nói chuyện với nhau. Trong bão, lũ dữ dội miền Trung, anh em chúng tôi cùng nhau lao vào tâm bão, chạy về rốn lũ đầy hiểm nguy đã trở nên quá đỗi bình thường, nhưng lần này, anh em chia nhau tác nghiệp giữa Hoàng Sa, dù không ai nói ra nhưng ai cũng lo lắng. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên chúng tôi tác nghiệp giữa trùng khơi, nơi rập rình của hàng trăm tàu các loại và cả máy bay quần thảo trên đầu đe dọa, uy hiếp tinh thần với những ngón đòn đầy nham hiểm, chưa biết sống chết thế nào.
Với chúng tôi, đây là cuộc tác nghiệp giữa vùng chiến sự, giữa chốn mà địch có thể dùng vòi rồng, dùng tàu đâm va bất cứ lúc nào.
Clip tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Hoàng Sa: