Về tham dự Hội thảo còn có đại diện của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT của 28 tỉnh/ thành phố ven biển, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Với điều kiện khí hậu và tự nhiên, nước ta có tiềm năng lớn về diện tích nuôi biển, diện tích có khả năng sử dụng phát triển nuôi biển bao gồm các vùng vịnh kín, bãi triều ven biển, và một phần ở các hải đảo, vùng biển hở. Tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo ở nước ta khoảng 244.190 ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha, chiếm 62%; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha, chiếm 33% và nuôi vùng biển hở 11.100 ha, chiếm 5% (nguồn thống kê từ các tỉnh ven biển).
Hiện tại nuôi biển chủ yếu tập trung các đối tượng như: Cá biển, tôm hùm, cua, ghẹ, nhuyễn thể và rong biển. Trong đó, đối với nuôi cá biển thường nuôi các loài như: cá song, cá giò, cá cam, chép biển, tráp đỏ, Hồng Mỹ, cá vược, đối mục, cá dìa, cá chim vây vàng…..Trong đó đối tượng cá song, cá giò, cá vược được xem là một trong những đối tượng được nuôi phố biến nhất.
Đối tượng nhuyễn thể được nuôi chủ yếu là: nghêu bến tre, ngao dầu, ngao vân, vẹm xanh, ốc hương, sò huyết, sò lông, tu hài, hàu cửa sông, hàu Thái Bình Dương, điệp. Trong đó, ngao/nghêu chủ yếu nuôi khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Sò lông, sò huyết được nuôi hầu hết các tỉnh ven biển nước ta, nhưng tập trung nhiều ở vịnh Kiên Giang, Quảng Ninh.
Hàu được nuôi nhiều ở khu vực cửa sông Chanh (Yên Hưng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng); Quỳnh Lưu (Nghệ An), Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Đầm Nha Phu (Khánh Hòa), Bán đảo Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu), huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh). Bào ngư, tu hài được nuôi nhiều ở khu vực Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng) và một số nơi của Khánh Hòa, Kiên Giang.
Riêng đối với nghề nuôi tôm hùm hiện nay được phát triển mạnh ở 5 tỉnh bao gồm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đối với trồng rong biển ở nước ta chủ yếu là rong sụn, rong nho và tập trung ở khu vực biển Nam Trung Bộ.
Trong giai đoạn 2010-2015, nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích và sản lượng đã không ngừng tăng. Diện tích nuôi biển từ 38.880 ha năm 2010, đến năm 2015 đã tăng lên 40.102 ha. Sản lượng tăng từ 156.681 tấn (năm 2010) lên 308.587 tấn. Nghề nuôi biển đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Tuy nhiên phát triển nuôi trồng thủy sản biển ở nước ta vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn và hạn chế của nghề nuôi biển đang gặp phải như: nghề nuôi biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến sản xuất kém hiệu quả, gây tác động đến môi trường và phát triển thiếu bền vững. Khoa học, công nghệ trong sản xuất giống các đối tượng hải sản nước ta còn hạn chế, con giống sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm. Việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về một số đối tượng nuôi biển còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý…
Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản cần tiếp tục hướng dẫn các địa phương tiến hành lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi các đối tượng như: cá biển, nhuyễn thể, giáp xác… tập trung và giám sát chặt chẽ quy hoạch. Đảm bảo tổ chức quản lý phát triển nuôi trồng thủy sản biển trên phạm vi cả nước để không bị phá vỡ quy hoạch. Đôn đốc các đơn vị trình và ban hành các TC, QCVN về giống cá biển, rong biển, tôm hùm, nhuyễn thể để phục vụ công tác quản lý.
Chỉ đạo địa phương thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường trong NTTS, nhằm khuyến cáo kịp thời cho người nuôi khi có sự cố môi trường ảnh hưởng đến NTTS.
Phối hợp với Cục Thú Y tổ chức kiểm tra giám sát về công tác phòng chống dịch bệnh, tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, sử dụng thuốc và hóa chất trong NTTS. Tổ chức các lớp tập huấn về quy trình phòng trừ dịch bệnh, kiểm dịch cho các đối tượng nuôi biển; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu giống cá biển qua đường tiểu ngạch. Căn cứ trên quy hoạch đã được phê duyệt tiếp tục xây dựng chi tiết quy hoạch phát triển các đối tượng nuôi biển của địa phương; quản lý tốt điều kiện sản xuất, chất lượng giống, thức ăn phục vụ phát triển nuôi.
Ngoài ra, để phát triển nghề nuôi biển tương xứng với tiềm năng về điều kiện tự nhiên cần thiết phải có một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, đồng bộ từ khoa học công nghệ đến chính sách ưu đãi về vốn tín dụng, thuế, đầu tư, chế biến, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.