Mô hình nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo tại xã Tam Nghĩa,
huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam
Nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ ở tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông ngư dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng ven biển. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do diện tích nuôi tôm ở vùng triều bị ô nhiễm, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, nên hàng trăm hécta bỏ trống vì nuôi không hiệu quả. Do đó, để sử dụng tối đa, có hiệu quả diện tích mặt nước vùng triều, hạn chế dịch bệnh xảy ra thì những đối tượng có khả năng thích nghi rộng như cua được đưa vào nuôi luân canh, xen canh trong các ao nuôi tôm nước lợ rất phù hợp, có hiệu quả về kinh tế và môi trường.
Đối với nuôi thủy sản nước lợ, cua là đối tượng nuôi có nhiều ưu việt. Bởi vì chúng thích nghi với các điều kiện ao nuôi hiện tại ở vùng triều, thời gian nuôi ngắn và tương đối dễ nuôi; chi phí vừa phải phù hợp với khả năng đầu tư của đa số hộ gia đình, thị trường tiêu thụ dễ dàng, đầu ra sản phẩm ổn định, giá bán cao, đem lại thu nhập khá cho người dân.
Song, nguồn giống cua được người dân sử dụng để thả nuôi phụ thuộc từ nguồn giống khai thác tự nhiên, giống này có nhiều nhược điểm như: kích cỡ không đồng đều, các phần phụ thường hay bị tổn thương do đánh bắt, chất lượng không đảm bảo, vì vậy khi nuôi dễ bị bệnh, tỷ lệ sống thấp, giá con giống cao, nguồn giống không chủ động về số lượng, mùa vụ...
Nhận thấy được điều này, trong 3 năm (2014-2016), Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã ứng dụng, chuyển giao giống cua bột sản xuất nhân tạo vào nuôi thương phẩm ở vùng triều thành công và có nhiều triển vọng. Mô hình đều đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đề ra; với mật độ giống thả 2 con cua bột/m2, sau 5 tháng nuôi, cua có tỷ lệ sống đạt 30%, trọng lượng thu hoạch trung bình đạt 0,3 kg/con, năng suất 1,5- 1,8 tấn/ha. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu lãi từ 130 - 150 triệu đồng/ha, tăng 20 - 25% so với nuôi bằng giống tự nhiên. Ngoài ra, trong ao nuôi cua các hộ còn thả nuôi xen một ít tôm sú, tôm thẻ chân trắng vào ao để tận dụng diện tích mặt nước, tăng thu sản phẩm, tăng thêm hiệu quả kinh tế hơn 30 triệu đồng/ha.
Với hiệu quả đem lại của mô hình, từ diện tích 1,4 ha nuôi năm 2014, đến nay mô hình đã nhân rộng được trên 50 ha tại một số địa phương như Núi Thành, Hội An và Tam Kỳ.
Có được những kết quả trên, là do chuyển đổi nguồn giống cua tự nhiên sang cua bột đã giúp người dân chủ động hơn trong việc thả giống với số lượng lớn. Ngoài ra, nuôi cua thương phẩm từ cua bột giúp cua thích ứng hơn và có khả năng chịu đựng với những biến đổi của môi trường tốt hơn so với cua giống tự nhiên. Nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo đã giảm chi phí đầu tư con giống khá nhiều so với thả nuôi bằng cua giống tự nhiên, từ đó giúp tăng hiệu quả mô hình đáng kể.
Đặc biệt, Trung tâm đã xây dựng được Quy trình kỹ thuật nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo phù hợp với điều kiện Quảng Nam, nhất là giai đoạn ương từ cua bột C2-C3 lên cua giống. Đây là giai đoạn quan trọng, quyết định tỷ lệ sống và chất lượng cua giống thả nuôi, để chuyển giao và khuyến cáo nhân rộng cho nông dân.
Để nghề nuôi trồng thủy sản vùng triều ngày càng phát triển bền vững, Trung tâm Khuyến nông Quảng sẽ tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi các đối tượng nuôi mới để tạo sản phẩm nuôi đa dạng, có chất lượng và giá trị; gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển nuôi thủy sản nước lợ vùng triều an toàn dịch bệnh và môi trường; nuôi luân canh, xen ghép với tôm các đối tượng như: cua xanh, cá đối, cá dìa, cá măng... trên những vùng nuôi khác nhau để đánh giá khả năng thích nghi, tình hình sinh trưởng, phát triển và hoàn thiện quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho bà con nông dân áp dụng vào sản xuất đại trà. Đồng thời, đề nghị các địa phương ven biển bố trí kinh phí để triển khai, thực hiện các mô hình nuôi thủy sản vùng triều có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân tham quan, học tập nhằm ứng dụng mô hình vào trong sản xuất được hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân.