Năm 2007, thấy người hàng xóm trồng sa nhân, ông Nghĩa xin một ít giống về trồng thử dưới tán keo, chủ yếu để lấy thuốc chữa đau bụng. Không ngờ chỉ sau hai năm, cây sa nhân đã phủ kín diện tích trồng keo của gia đình. Thời điểm đó, giá sa nhân chỉ tầm 60 nghìn đồng/kg khô và 10 nghìn đồng/kg tươi. Mùa thu hoạch sa nhân vào khoảng cuối tháng 4 âm lịch và kéo dài tùy vào diện tích trồng. 1ha sa nhân của gia đình ông hái khoảng một tháng mới hết.
Bà Lê Thị Qua, vợ ông Nghĩa bộc bạch: “Cây sa nhân thường ra trái từng chùm mỗi hoa kết khoảng từ 5 - 7 trái nhưng có khi chỉ độc 1 trái. Có những quả to gần bằng trái chôm chôm. Nhiều năm qua thu hoạch được chừng nào thương lái đến lấy tận vườn, giá năm sau luôn cao hơn năm trước.
Năm 2015, gia đình ông Nghĩa thu được 30 triệu đồng từ vườn sa nhân nhưng theo ông là đã bị hớ nặng. Lý do là mỗi kg sa nhân khô ông bán với giá 500 nghìn đồng/kg do bị thương lái thúc giục hỏi mua, chỉ thời gian ngắn sau đó giá mỗi kg sa nhân đã lên tới 750 nghìn đồng. Chưa hết, do để phơi sa nhân khô phải mất gần một tuần nắng to liên tục nên gia đình đã đem một lượng lớn trái thu hoạch được bán tươi với giá chỉ xấp xỉ 150 nghìn đồng/kg. Sa nhân là loài thực vật chịu mát, thường được trồng dưới tán rừng, thông thường mỗi cây trồng cách nhau 2m. Trước đây gia đình ông Nghĩa chủ yếu sống dựa vào vườn keo, bởi đất ở đây khá cằn cỗi, khó tìm được loại cây giá trị hơn. 9 năm qua gia đình chưa thu nhập đồng nào từ cây keo, vì vườn keo… che mát cho sa nhân.
Ông Nghĩa nhẩm tính: “Bây giờ nếu chặt bán hết 1ha keo thì thu được khoảng 40 triệu nhưng sẽ mất trắng vựa sa nhân đang sinh trưởng rất tốt. Cây keo để càng lâu thêm vài năm nữa thì càng có giá trị nên gia đình cũng chưa vội, cứ để thu hoạch sa nhân thêm vài mùa nữa rồi tính tiếp”....