Thu hoạch cua thương phẩm của hộ ông Dương Trung Nghĩa,
tại Long Bình - Tam Nghĩa - Núi Thành
Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Núi Thành và thành phố Hội An triển khai thực hiện mô hình
“Nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo trong ao đất” tại Tam Nghĩa - Núi Thành và Cẩm Châu - Hội An, trên diện tích 2,6 ha với 8 hộ tham gia.
Chiều qua (19/9) tại Núi Thành đã tổ chức hội thảo đầu bờ để đánh giá kết quả mô hình và để bà con nông dân nuôi trồng thủy sản tham quan học tập, nhân rộng mô hình trong thời gian đến. Dự hội thảo có đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm, Đảng ủy, UBND xã Tam Nghĩa, các ban ngành, đoàn thể có liên quan và các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Mô hình nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo được Trung tâm ứng dụng, chuyển giao vào nuôi ở vùng triều thành công và có nhiều triển vọng. Với mật độ giống thả 2 con cua bột/m2, sau 5 tháng nuôi, cua có tỷ lệ sống đạt 30%, trọng lượng thu hoạch trung bình đạt 0,3 kg/con, năng suất 1,8 tấn/ha. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, thu lãi 135 triệu đồng/ha.
Tại hội thảo, các hộ tham gia mô hình và bà con nông dân đều cho rằng: Mô hình thực hiện đã hỗ trợ người dân nhiều về mặt kỹ thuật và đem lại hiệu quả cao cho người nuôi. Nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo có nhiều ưu việt, đã khắc phục được những nhược điểm của cua giống khai thác tự nhiên, việc chuyển đổi từ nguồn giống cua tự nhiên sang cua bột đã giúp người dân chủ động hơn trong việc thả giống với số lượng lớn và mùa vụ nuôi. Ngoài ra, nuôi cua thương phẩm từ cua bột giúp cua thích ứng hơn và có khả năng chịu đựng với những biến đổi của môi trường tốt hơn so với cua giống tự nhiên. Nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo có kích cỡ đồng đều, tỷ lệ sống cao và giảm chi phí đầu tư con giống khá nhiều so với thả nuôi bằng cua giống tự nhiên, từ đó giúp tăng hiệu quả mô hình đáng kể.
Nhiều ý kiến bà con đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo trên những vùng nuôi khác nhau để đánh giá khả năng thích nghi, tình hình sinh trưởng, phát triển và hoàn thiện quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho nông ngư dân áp dụng vào sản xuất đại trà. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư xây dựng nhiều mô hình nuôi luân canh, xen ghép với tôm các đối tượng có giá trị kinh tế như: Cá đối, cá dìa, cá măng... nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo sản phẩm nuôi đa dạng, có chất lượng và giá trị, phát triển nuôi thủy sản nước lợ vùng triều mang tính hiệu quả bền vững trong thời gian đến.
Trước đó, vào ngày 01/9 tại Hội An cũng đã tổ chức hội thảo mô hình. Mô hình được đánh giá có hiệu quả khá cao, đã đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đề ra. Nhờ nguồn giống đảm bảo chất lượng và các hộ nuôi chăm sóc tốt nên cua đạt trọng lượng lớn, trung bình 3 con/kg, giá bán bình quân 160.000 đồng/kg (so với cua giống tự nhiên, kích cỡ cua đực lớn hơn, có con đạt 500 g/con, loại này giá bán trên 250.000 đ/kg), sản lượng dự kiến thu 2,4 tấn, lãi của mô hình 198 triệu đồng trên diện tích 1,3 ha. Ngoài ra, trong ao nuôi cua các hộ còn thả nuôi xen một ít tôm sú, tôm thẻ chân trắng vào ao để tận dụng diện tích mặt nước, tăng thu sản phẩm, tăng thêm hiệu quả kinh tế 15- 20 triệu đồng/hộ.