PV: Xin ông cho biết, trong gần một năm qua, Qũy đã có những chương trình, chính sách nào để hỗ trợ ngư dân trên địa bàn tỉnh vươn khơi, bám biển?
Ông Ngô Tấn: Nguồn vốn điều lệ ban đầu của Qũy Hỗ trợ ngư dân tỉnh là 20 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cấp, cùng với 10 tỷ đồng được huy động từ các nhà doanh nghiệp hảo tâm trong và ngoài tỉnh, Quỹ đã thực hiện hỗ trợ tài chính các ngư dân, các tổ đoàn kết sản xuất trên biển… đóng mới tàu cá công suất lớn theo phương thức tín dụng ưu đãi (cho vay có hoàn lại vốn gốc với lãi suất 0%). Để đáp ứng nhu cầu vay vốn đóng mới tàu cá của ngư dân ngày càng cao, trong năm 2014 này, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục bổ sung vốn điều lệ cho Qũy với kinh phí 10 tỷ đồng. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của Qũy, cũng như mở ra nhiều cơ hội cho ngư dân.
Các chính sách hỗ trợ từ Qũy Hỗ trợ ngư dân gồm có, đóng mới tàu cá có công suất từ 90-250 CV sẽ được hỗ trợ cho vay 500 triệu đồng/tàu; từ hơn 250 – 400 CV 1 tỷ đồng/tàu; và từ 400 CV trở lên sẽ được vay 1,5 tỷ đồng/tàu. Tuy nhiên, xét tình hình thực tế nghề cá của tỉnh, Hội đồng Quản lý Qũy quyết định, trước mắt chỉ hỗ trợ đầu tư kinh phí cho ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu cá với công suất từ 600CV trở lên, kinh phí hỗ trợ vốn vay là 1,5 tỷ đồng/tàu.
Hiện nay, với nguồn vốn khá eo hẹp, nên thời gian đầu hoạt động, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam tập trung triển khai vốn vay tại 3 xã nghề cá trọng điểm trên địa bàn tỉnh có lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất Quảng Nam là: xã Tam Giang, Tam Quang và Tam Hải (thuộc huyện Núi Thành) và một số xã nghề cá khác như xã Bình Minh- huyện Thăng Bình.
PV: Hiệu quả từ những chương trình, chính sách đó như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Tấn: Có thể nói, với chức năng, nhiệm vụ của mình, những chương trình, chính sách hỗ trợ của Qũy Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã tạo bước đệm cho ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế bền vững.
Theo Chiến lược biển của tỉnh nhà, việc vươn khơi bám biến là xu thế tất yếu của ngư dân để tìm kiếm, khai thác tiềm năng kinh tế biển, và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay, ngư dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và ngư dân trên địa bàn miền Trung nói chung đang gặp những khó khăn, thách thức lớn về nguốn vốn cũng như kỹ thuật đánh bắt hải sản xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Hơn nữa, nguồn vốn để đầu tư phát triển tàu cá và nghề khai thác xa bờ là khá lớn, trong khi đó các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn tín dụng của Nhà nước còn hạn chế và có những khó khăn nhất định. Do đó, việc thành lập Qũy Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam là một bước đi đúng đắn của tỉnh nhà.
Với chủ trương, tạo mọi điều kiện để ngư dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ của Qũy, đến nay, sau hơn 1 năm hoạt động, đã hỗ trợ vốn vay gần 18 tỷ đồng cho các hộ và nhóm hộ ngư dân đóng mới 12 tàu cá với công suất 600 CV trở lên. Đến đầu năm 2014 này, có thêm 2 hộ ngư dân đang làm thủ tục hồ sơ để xin hỗ trợ vay vốn đóng mới 2 tàu cá. Trong số những tàu cá được đóng mới trên, đã có 6 chiếc ra biển khơi đánh bắt hải sản, có những tàu đã thực hiện được 3 chuyến và bước đầu mang lợi nhuận cho chủ tàu và thuyền viên; còn 6 tàu đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm vươn khơi.
Khi các chương trình, chính sách hỗ trợ từ Qũy được triển khai thực hiện, ngư dân trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi, nhiệt tình ủng hộ và nhanh nhạy tiếp cận nguồn vốn vay, tạo cơ hội cho chính mình để vươn lên làm giàu. Nếu như trước đây, với số vốn ít ỏi, ngư dân chỉ có thể đóng tàu cá với công suất tối đa là 250CV, có sự hạn chế trong việc phát huy năng lực khai thác hải sản khơi xa. Đặc biệt, nếu trong những chuyến đi biển không may gặp thiên tai, bão tố thì khả năng rủi ro mang lại cho tàu cá là rất cao. Nhưng với sự hỗ trợ nguồn vốn vay từ Qũy, ngư dân có thể đóng tàu mới với công suất từ 600CV trở, thậm chí có những tàu có công suất trên 1.000CV và nâng cấp công nghệ đánh bắt hải sản xa bờ đã giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, đánh bắt được nhiều hải sản, thu lợi nhuận cao hơn.
PV: Trong thời gian tới, Qũy có những chính sách mới nào để hỗ trợ ngư dân không, thưa ông?
Ông Ngô Tấn: Như đã nói trên, ngoài nguồn vốn được phân bổ, trong thời gian tới, Qũy sẽ tiếp tục kêu gọi, huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm…trợ giúp tăng thêm nguồn vốn điều lệ hoạt động cho Qũy nhằm mở rộng cơ hội cho các ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu cá từ 400CV trở lên.
Bên cạnh đó, đối với những ngư dân đang được hưởng nguồn vốn vay từ Qũy, trong thời gian 4 năm phải thực hiện hoàn vốn theo hợp đồng cam kết. Đồng thời, Qũy sẽ có lộ trình thu hồi vốn hàng năm để tạo vốn quay vòng, hỗ trợ các ngư dân khác. Dự tính, trong năm 2014, Qũy sẽ hỗ trợ vốn vay để đóng mới từ 12-15 tàu cá với công suất từ 400CV trở lên. Tiến tới nâng tổng số tàu được đóng mới lên 25-30 tàu cá, tính từ khi Qũy đi vào hoạt động.
PV: Vậy thưa ông, xin ông cho biết quy trình tiếp cận vốn từ Qũy hỗ trợ ngư dân Quảng Nam như thế nào?
Ông Ngô Tấn: Theo Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Qũy Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, thì Qũy Đầu tư phát triển Quảng Nam được UBND tỉnh giao việc nhận ủy thác quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động của Qũy theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra quản lý tài chính, tài sản, tổ chưc nhân sự và hoạt động của Qũy theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, khi ngư dân có nhu cầu vay vốn để đóng mới tàu cá, Qũy Đầu tư phát triển Quảng Nam sẽ cung cấp Đơn xin vay vốn và hướng dẫn ngư dân xây dựng phương án hoạt động sản xuất và đóng mới tàu cá; tiếp tục cùng các cơ quan liên quan đi thực tế cơ sở từng dự án của ngư dân để tiến hành thẩm định hồ sơ vay vốn; sau đó tổng hợp tham mưu, trình lên Hội đồng quản lý Qũy. Hội đồng quản lý Qũy Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam sẽ xem xét, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định vay vốn từ Qũy.
Trong năm 2013, chính sách hỗ trợ vốn vay của Qũy áp dụng cho các hộ, nhóm hộ có nhu cầu đóng mới tàu cá có công suất 600CV trở lên, nhưng từ năm 2014, nguồn vốn điều lệ được tăng thêm, Qũy sẽ áp dụng cho vay đối với ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu cá có công suất từ 400CV trở lên. Ngoài ra, ngư dân khi có nhu cầu vay vốn đóng mới tàu cá cần có những điều kiện sau : có kinh nghiệm đánh bắt tại các vùng biển xa, có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 trở lên và sử dụng nhiều lao động tại địa phương; có đủ năng lực tài chính, nguồn vốn đối ứng, đảm bảo tài sản thế chấp, có khả năng hoàn trả vốn gốc, phí quản lý, không có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng và có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả…
Đặc biệt, các đối tượng được vay vốn đóng mới tàu cá cần có ý thức trách nhiệm cao trong việc hoàn vốn theo quy định, để tạo cơ hội cho các ngư dân khác. Trong quá trình hoạt động, mỗi chủ tàu cần chú trọng vấn đề tham gia vào Tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển; tạo công ăn việc làm cho các lao động địa phương; ý thức được việc sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ của Nhà nước sao cho hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Và cần nhất ở mỗi ngư dân luôn có tư tưởng mạnh dạn làm giàu, nhanh nhạy tiếp cận nguồn vốn, từ đó mới có thể vươn lên thoát nghèo bền vững từ nghề cá.
Xin cảm ơn ông!