Hội thảo cũng chỉ rõ những khó khăn, tồn tại trong áp dụng cơ giới hóa tại các tỉnh, thành phố như: Tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp, chưa đồng bộ và phát triển toàn diện, chủ yếu ở khâu làm đất cây hàng năm, tập trung cấy lúa, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa, gạo. Mặt khác, mối liên kết hữu cơ giữa các cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp chưa cao, nên rất ít sản phẩm hàng hóa có thương hiệu xuất xứ từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp.
Đối với tỉnh Bắc Ninh, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và đầu tư của nông dân, nhiều khâu trong sản xuất lúa được cơ giới hóa, nhất là các khâu nặng nhọc, tốn nhiều công lao động như: Tưới tiêu, làm đất, gieo cấy, thu hoạch. Kết quả điều tra năm 2010, toàn tỉnh có 4.887 máy làm đất các loại, 3.126 máy tuốt lúa, 900 công cụ gieo rải hàng, 26 máy phun thuốc bảo vệ thực vật…góp phần quan trọng tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, hội thảo thống nhất các giải pháp: Cần có chủ trương, chính sách về dồn điền đổi thửa, khuyến khích quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; Cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi nội đồng tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất; Có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật tạo điều kiện giúp nông dân mua sắm máy móc phục vụ sản xuất…