Trong năm qua, nhìn chung nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh. Giá trị sản xuất NLTS năm 2023 đạt khoảng 15.665 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Trồng trọt ước đạt 6.364 tỷ đồng, tăng trên 3%; lâm nghiệp đạt 1.830 tỷ đồng (tăng 5,6%); thủy sản đạt 4.490,7 tỷ đồng (tăng 1,7%); chăn nuôi tăng khoảng 5%, ước đạt 2610 tỷ đồng (GSS 2010).
Đối với sản xuất lâm nghiệp, việc quản lý chất lượng giống được nhiều địa phương chú trọng, tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng tăng. Địa phương và chủ rừng đã quan tâm xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng; đến nay có khoảng 14.143 ha được cấp chứng chỉ rừng (FSC). Thu dịch vụ môi trường rừng tăng, góp phần bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân, các đơn vị tham gia bảo vệ rừng. Giá trị xuất khẩu sản phẩm từ gỗ đạt khá (8 tháng đầu năm 2023 đạt 15.798.376 USD). Về công tác sử dụng và phát triển rừng: Diện tích rừng trồng mới tập trung đạt trên 23 nghìn ha/ năm 2023 (tăng khoảng 2,4% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng gỗ khai thác đạt gần 1,7 triệu m3, tăng 5,5%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 9,4 triệu cây (tăng 576 nghìn cây); sản lượng gỗ khai thác ước đạt gần 1,7 triệu m3 (tăng 90 nghìn m3). Diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng (nguồn vốn ngân sách) đang triển khai trồng vào mùa trồng rừng cuối năm 2023. Thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên với 4.019,45 ha, trong đó khoanh nuôi không trồng bổ sung là 2.935,07 ha và khoanh nuôi có trồng bổ sung là 1.084,38 ha. Thực hiện trồng rừng thay thế tai 5 đơn vị với diện tích 75,1345 ha, gồm: UBND huyện Tây Giang 15 ha, UBND huyện Nam Giang 14 ha và BQL Vườn Quốc gia Sông Thanh 10 ha, UBND huyện Đông Giang 18,5 ha và UBND huyện Bắc Trà My 17,634 ha. Đối với Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp: Tổng số cơ sở cơ sở sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh hiện có 135 cơ sở. Số lượng cây giống sản xuất hàng năm khoảng 54 triệu cây con/năm, với các loài cây trồng chính là cây Keo, Quế, Sao đen, một phần nhỏ là Lim xanh, Giổi và Huỳnh đàn. Ngoài ra, kiểm tra và công nhận 3,29 ha rừng giống Quế chuyển hóa từ rừng trồng; công nhận 8.000 m2 vườn cây đầu dòng. Công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp; về cây trội: đã công nhận 10 cây Dầu đọt tím tại huyện Đại Lộc; 04 cây Tràm gió tại huyện Thăng Bình; 16 cây Gụ lau tại huyện Đông Giang; ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tạm thời trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cây Giổi ăn hạt, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng 16 loạ cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Chăn nuôi tập trung tiếp tục phát triển ổn định đem lại hiệu quả và an toàn cho người chăn nuôi. Tổng đàn chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 22,97% (1.650.674 con)/tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh (9.579.100 con). Trên địa bàn tỉnh hiện có 385 trang trại, tăng 08 trang trại so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng sinh thái, xanh, hữu cơ có có hiệu quả kinh tế được phát triển, như: Mô hình chăn nuôi bò thịt với thức ăn toàn bộ từ phụ phẩm nông nghiệp và chế biến tại HTX Chăn nuôi CNC Gò Nổi, với quy mô 270 con bò 3 B đem lại lãi 3 tỷ đồng/năm; Mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng thảo mộc tại HTX Nông nghiệp & KDDV Tiền Phong, với quy mô 5.000 con/năm, lãi 150 triệu đồng/năm; Mô hình chăn nuôi heo cỏ địa phương hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao tại HTX Tâm Đức, với quy mô 200 con lợn đã mang lại hiệu quả cao,...Hình thành các chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng, bao gồm các chuỗi: Doanh nghiệp - trại chăn nuôi, doanh nghiệp - HTX - nông hộ để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Một số hình thức liên kết về chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, có 73 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại nuôi lợn thịt, gà thịt, vịt thịt (32 lợn; 40 gà; 01 vịt). Tổng quy mô khoảng 45.450 con lợn/lứa (chiếm 13,25%/tổng đàn lợn của tỉnh), 870.000 con gia cầm/lứa (chiếm 9,67%/tổng đàn gia cầm của tỉnh). Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm, với chủ chuỗi liên kết là các Hợp tác xã: hình thức liên kết này đang phát triển, nhất là trong chăn nuôi bò
Về trồng trọt, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được người dân và địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn; áp dụng các giải pháp cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất giảm lượng giống, vật tư đầu vào nên dù diện tích lúa giảm, nhưng năng suất vẫn tăng. Loại hình chuyển đổi khá đa dạng, đa số diện tích chuyển đổi đều cho lợi nhuận tăng bình quân từ 20 - 30% so với sản xuất lúa trong cùng thời vụ, trên cùng chân đất; riêng đối với một số mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời cũng góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển vùng trồng tập trung các sản phẩm chủ lực gắn với mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; một số địa phương đã lập và triển khai thực hiện Phương án xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng. Liên kết sản xuất trồng trọt ngày càng bền vững nhất là lĩnh vực liên kết sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao. Năm 2023, tổng diện tích sản xuất giống cây trồng trên địa bàn tỉnh là 4.361 ha, việc các HTX liên kết với các Công ty, doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm tăng thu nhập cho người dân. Sản xuất rau, củ, quả an toàn ngày càng được quan tâm phát triển: Tổng diện tích sản xuất rau, củ, quả an toàn là 85,1 ha, trong đó diện tích rau chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP là 41,0 ha, diện tích rau chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 44,1ha. Tuy diện tích sản xuất rau an toàn theo các tiêu chuẩn còn thấp, nhưng hầu hết các sản phẩm đều có đầu ra ổn định, thu nhập của người trồng rau được tăng lên đáng kể.
Trong thủy sản đang tập trung tổ chức lại sản xuất, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao. Đối với nuôi trồng thủy sản, người dân đã áp dụng nhiều theo hướng thâm canh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh khoảng 38,5 ha. Một số mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần làm tăng giá trị sản xuất thuỷ sản (tăng bình quân 5,6%/năm), năng suất tăng rõ rệt, chất lượng sản phẩm thuỷ sản từng bước nâng cao như: mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trong nhà lưới, ứng dụng nuôi tôm thẻ 4 giai đoạn, ứng dụng công nghệ Biofloc, ứng dụng công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong nuôi lồng bè sử dụng các lồng nuôi làm bằng các vật liệu chắc chắn, bền (HDPE, composite) có khả năng chống chịu với môi trường nước, sóng, gió và giúp bảo vệ môi trường…Về khai thác, tiếp tục phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền hợp lý, tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ, hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ nhằm giảm cường lực khai thác ven bờ, vùng lộng để bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, đảm bảo khai thác bền vững. Khuyến khích đầu tư phát triển tàu thuyền dịch vụ, hậu cần cho tàu khai thác ở ngư trường xa bờ. Nhiều nghiên cứu khoa học công nghệ về ngư lưới, cụ, thiết bị trong khai thác, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác, giải pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản đã được đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả./.