Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CHĂN NUÔI DÚI
Người đăng: Ung Hồ Nguyên Cẩm .Ngày đăng: 11/07/2023 09:42 .Lượt xem: 15027 lượt.
Hiện nay, mô hình nông nghiệp chăn nuôi dúi đang được mở rộng, phát triển ở một số địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình nuôi mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới, nhiều triển vọng cho người dân ở địa phương.

1. Đặc tính sinh học của dúi

1.1. Phân bố, đặc điểm ngoại hình

Con dúi còn có tên gọi khác là chuột nứa, chuột dúi, chuột tre, chuột lách. Đây là loại động vật thuộc lớp thú và một phân họ gặm nhấm. Dúi là một con vật được người biết đến, phân bố chủ yếu ở các vạt rừng tre nứa Phía Bắc.

Hình 1: Mô hình nuôi dúi của chị Nguyễn Thị Phượng ở xã Tam Lãnh huyện Phú Ninh

Dúi có mình tròn trịa giống heo, rụt rịt không cổ, phủ dầy lông như heo rừng. Dúi trông khá giống chuột ở đôi mắt nhỏ, lồi, tròn, đen như hạt nhãn. Đôi tai của dúi tròn nho nhỏ, bốn chân bén móng vuốt và cái đuôi giống như đuôi chuột. Dúi còn giống với thỏ ở bộ ria, mũi, mõm và giống nhất là hai cặp răng cửa trên. Hai cặp răng cửa trên của dúi to bản và khỏe, thích hợp để đào hang và gặm thức ăn.

Những con dúi trưởng thành thường có chiều dài thân khoảng 25 – 35cm, chiều dài đuôi khoảng 7 – 12cm, đuôi dúi không có lông. Trọng lượng dúi dao động trong khoảng 0,7 – 3 kg/con.

1.2. Phân loại

Người ta thường dựa vào tập tính, kích cỡ và màu sắc để phân loại dúi

1.2.1. Phân loại theo tập tính

Xét về tập tính hay kích cỡ, dúi được chia làm 2 loại: dúi đơn và dúi đàn

Dúi đơn loại này thường sống độc thân, kiếm ăn một mình và khi nào đến thời kỳ sinh sản chúng mới tìm đến nhau. Loại này thường có trọng lượng lớn hơn dúi đàn.

Dúi đàn thường sống thành các bầy đàn, loại dúi này thường nhỏ hơn dúi đơn.

1.2.2. Phân loại theo màu sắc

Xét về màu sắc, dúi được chia làm 3 loại:

Màu trắng: Lông trắng như lông thỏ, mắt đỏ. Đây là loại dúi chậm nhất trong tất 3 loại dúi. Chúng lành hơn nên dễ bị bắt, loại này khá quý hiếm.

Màu vàng: Loại này có bộ lông màu vàng, thân ngắn, đuôi cũng ngắn.

Màu tro: Loại có bộ lông giống như màu tro bếp, mình dài, đuôi cũng dài.

1.3. Tập tính

Dúi là loài gặm nhấm sống ở dưới mặt đất, mọi hoạt động đều diễn ra trong hang. Trong tự nhiên, dúi sống trong các hang tự đào ở những khu rừng có nhiều tre, nứa. Dúi có bộ răng cứng và chắc khỏe, răng của chúng thường xuyên dài ra vì vậy chúng phải gặm nhấm những loại thức ăn cứng để mài răng.

Thức ăn chủ yếu của dúi là củ, rễ cây của các loài thực vật họ cỏ. Chúng thường đi ăn vào ban đêm và ngủ vào ban ngày. Ban ngày dúi ngủ trong hang, ban đêm chúng di chuyển trên mặt đất để kiếm ăn.

Đối với các loại dúi đàn, chúng thường sống thành các bầy đàn trong tự nhiên và sẽ có con đầu đàn. Trong quá trình kiếm ăn chúng cũng đi thành từng đàn. Đối với loại dúi độc, chúng thường sống một mình cho kỳ sinh sản chúng mới tìm đến nhau để duy trì giống nòi.

Khi được thuần hóa, thì một số tập tính trong tự nhiên của dúi cũng bị thay đổi. Từ đó, kỹ thuật chăn nuôi dúi cũng không quá phức tạp.

3. Cách chọn giống

Bên cạnh kỹ thuật chăn nuôi dúi, thì con giống là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chăn nuôi. Chọn những con giống khỏe mạnh, có ngoại hình đẹp, không có dị tật. Mua giống tại các địa chỉ uy tín, tránh mua giống cận huyết.

Hướng dẫn phân biệt dúi đực và dúi cái:

Dúi đực: Dúi đực sẽ có 2 tinh hoàn tương tự như của chó, và không có vú. Nên chọn con dúi đực khỏe mạnh, không bị dị tật, kích thước tương đương hoặc to hơn dúi cái. Một con dúi đực khỏe mạnh có thể phối giống với 4-5 con dúi cái.

Dúi cái: Phần bụng dúi 2 hàng vú ở hai bên bẹ sườn như lợn. Dúi cái tốt có ngoại hình to vừa, không quá nhỏ, có hàng vú đều hai bên, lông mượt, chạy khỏe.

4. Kỹ thuật làm chuồng chăn nuôi dúi

Bố trí làm chuồng ở các khu vực yên tĩnh. Ngoài ra có thể dùng đệm lót sinh học để khử mùi hôi trong chuồng của dúi và giúp ngăn chặn vi sinh vật kí sinh có điều kiện phát triển.

4.3. Chuồng nuôi dúi sinh sản

Đối với chuồng nuôi dúi sinh sản, mỗi ô rộng khoảng 50cm, dài 0,8 – 1m. Bà con xây tường cao 70cm, bên trong tô xi măng thật láng hoặc ốp gạch men, nền bê tông hoặc lát gạch. Mỗi ô chuồng dùng cho một con dúi.

Xung quanh chuồng nuôi dúi nên xây bờ bao, để dúi không thể thoát ra ngoài được, chiều cao bờ bao khoảng 50cm. Chuồng phải có mái che để tránh ánh nắng nắng và nước mưa dính vào người dúi. Vào mùa đông dùng rèm che chuồng để giữ ấm cho dúi.

Hình 2: Dúi nuôi 8 tháng sẽ bắt đầu sinh sản, mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3-4 lứa, mỗi lứa từ 2-5 con.

4.2. Chuồng nuôi dúi thương phẩm

Đối với chuồng nuôi dúi thương phẩm, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2m2 trở lên, xây tường cao 70cm trở lên, bên trong tô xi măng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Trong chuồng nên đặt các ống cống nhỏ hoặc nhiều các gốc cây, để dúi trú ẩn, tránh nhau để không cắn nhau…

Chú ý: Có thể sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi dúi sinh sản. Tuy nhiên cần phải nhận biết được khi nào con dúi cái mang thai và phải tách nó ra trước khi nó sinh sản. Nếu không khi đẻ, dúi con sẽ bị con khác ăn con hoặc có thể dúi mẹ cũng ăn con của mình.

5. Thức ăn và khẩu phần ăn của dúi

Thức ăn là yếu tố vô cùng quan trọng trong kỹ thuật chăn nuôi dúi. Thức ăn cho dúi vô cùng đa dạng, tuy nhiên để đảm bảo cho tiêu hóa cũng như để dúi phát triển tốt, nên cho dúi ăn thân mía, tre, trúc, nứa, bánh tẻ, bông lau, măng,…

Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các loại thức ăn dinh dưỡng khác cho dúi như ngô, khoai, sắn,… Đặc biệt, tuyệt đối không được cho dúi ăn các loại cỏ như cỏ voi, cỏ ghi-lê vì các loại cỏ này có hại cho hệ tiêu hóa của dúi.

Khẩu phần ăn trung bình một ngày của một con dúi:

Dúi từ 2-3 tháng tuổi: 50-100g rau củ quả, 5-10g thức ăn hỗn hợp và 5-10g tinh bột như thóc, bắp, đậu các loại.

Dúi từ 3-6 tháng tuổi: 100-250g rau củ quả, 5-15g thức ăn hạt thóc, 10-15g thức ăn tổng hợp, đậu và 3-10g dầu lạc hoặc dầu dừa.

Dúi từ 6-9 tháng tuổi: 250-350g rau củ quả, 15-30g thức ăn tổng hợp, 10-20g khô dầu lạc hoặc khô dầu dừa và 15-30g thức ăn hạt các loại.

Trong trường hợp không có khô dầu dừa hay dầu phộng thì bà con có thể thay thế bằng côn trùng, giun đất, thức ăn tinh hỗn hợp của gà hay vịt 1 tháng tuổi. Để đảm bảo nguồn thức ăn sạch, dinh dưỡng, người nuôi nên tự sản xuất thức ăn tổng hợp ăn dạng viên cho dúi bằng cách việc tận dụng các loại phụ phẩm, ngũ cốc nghiền, men ủ thức ăn chăn nuôi,… chế phẩm men ủ thức ăn trong chăn nuôi được xem là giải pháp hữu hiệu và toàn vẹn nhất, thay thế kháng sinh và chất lượng tăng trọng mà vẫn đảm bảo năng suất và kinh tế.

Bên cạnh đó, có thể linh động điều chỉnh khẩu phần ăn phù hợp với nhu cầu của dúi. Khi đã cho dúi ăn đủ các loại rau củ quả thì người nuôi không cần cho dúi uống thêm nước hoặc nếu cho uống thì chỉ cần cho dúi uống 1 ít nước là được.

Cần đảm bảo cho dúi ăn những thực phẩm tươi, xanh, sạch để phòng bệnh tiêu chảy. Dúi thích có thể chịu được rét nhưng không thể chịu được nóng. Vì vậy nếu nhiệt độ trên 35 độ C, cần lắp thêm quạt thông gió cho thoáng mát.

6. Kỹ thuật chăn nuôi dúi

6.1. Kỹ thuật nuôi dúi sinh sản

Mỗi năm dúi đẻ khoảng 3 – 4 lứa, mỗi lứa từ 2-5 con. Cho dúi ăn đầy đủ và đúng khẩu phần trước, trong, và sau khi sinh.

6.1.1. Kiểm tra dúi cái động dục

Biểu hiện của dúi cái khi động dục: Quan sát lúc cho ăn, nếu thấy con dúi cái có biểu hiện đi vòng quanh chuồng, mũi hít ngửi liên tục, đi phân lung tung, hay ghếch lên thành chuồng hít ngửi nghĩa là dúi cái đã động dục.

Để xác định rõ ràng hơn thì người nuôi xách đuôi con dúi cái lên kiểm tra. Nếu thấy bộ phận sinh dục của dúi cái có màu hơi hồng, đưa tay lên vuốt nhẹ thấy nó hơi lồi ra, có thể ướt nghĩa là con cái có biểu hiện động dục.

6.1.2. Tiến hành ghép đôi

Chọn con đực (nên chọn con đực có kích thước tương đương con cái hoặc chỉ nên to hơn con cái một ít) thả vào chuồng con cái. Sau đó, quan sát nếu thấy con đực và con cái quấn quýt với nhau thì cứ để nguyên như vậy. Nếu thấy con đực và con cái gằm ghè nhau thì bà con thay con khác.

Sau 2 ngày tiến hành quan sát con cái, nếu thấy con cái có biểu hiện vú hơi căng, bộ phận sinh dục bắt đầu se lại thì nghĩa là con cái đã được đực. Nếu chưa có kinh nghiệm quan sát thì tốt nhất để con đực và con cái ở với nhau trong vòng một tuần. Hoặc khi thấy con đực và con cái có biểu hiện gằm ghè nhau, chúng không nằm chung với nhau mỗi con một góc thì tách hai con ra.

Chú ý: Khi ghép đôi con đực với con cái mà thấy chúng hợp với nhau thì người nuôi đánh dấu lại để có thể ghép đôi tương tự cho lần giao phối sau. Mỗi con đực có thể giao phối được tối đa là 5 con cái. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người nuôi và chu kỳ sinh sản của các con dúi cái. Vì vậy, khi mới bắt đầu nuôi, chỉ nên sử dụng một đực một cái, sau khi đã có kinh nghiệm thì hãy tăng dần số con cái lên.

6.1.3. Cách nuôi dúi sinh sản

Thời gian để dúi từ lúc được đực đến lúc đẻ tổng cộng là 32 tuần (8 tháng). Một năm dúi đẻ từ 2 – 4 lứa; mỗi lứa đẻ từ 2 – 6 con.

Sau 2-3 ngày giao phối, đưa dúi cái đến chuồng nuôi dúi sinh sản, để chuẩn bị cho việc sinh sản.

Thức ăn cho dúi sinh sản: Cho thêm rơm, hoặc rác mềm vào để dúi cái bện tổ nuôi con. Khoảng một tháng sau khi ghép đôi thành công dúi mẹ sẽ sinh sản.

Trước khi dúi đẻ, phải dọn phân trong chuồng cho sạch. Khi dúi đẻ, không nên dọn chuồng ngay mà phải để khoảng 2 – 3 ngày sau rồi dọn. Và khi dọn chuồng thì chỉ dọn phân không nên động tới phần ổ đẻ của dúi.

Điều quan trọng trong kỹ thuật nuôi dúi đẻ  không nên thăm tổ đẻ nhiều. Hãy để dúi mẹ tự chăm sóc cho dúi con đến khi dúi con được khoảng 2 tuần tuổi. Nên cho dúi mẹ ăn đầy đủ, nên cho dúi mẹ ăn các loại thức ăn như: mía, cỏ và đặc biệt là tinh bột như khoai lang, bắp…

Khi dúi con được khoảng 45 ngày tuổi thì nên tách dúi con ra nuôi riêng để chuẩn bị cho dúi mẹ đẻ lứa sau. Sau khi tách con nên ngừng cho ăn một ngày. Và sau 3 ngày thì kiểm tra và ghép đôi dúi mẹ với dúi đực.

Trong tự nhiên, dúi rất hung dữ, tuy nhiên nó rất nhát người và tiếng động, vì vậy khi nuôi dúi sinh sản cần chú ý điểm này. Để khi sinh sản cần hạn chế nếu không dúi mẹ sẽ ăn dúi con.

6.1.4. Kỹ thuật chăn nuôi dúi con mới đẻ

Dúi con mới đẻ ra không có lông, mắt vẫn chưa mở. Khoảng 10 ngày thì lông dúi con dài ra và đen. Gần 30 ngày sau khi đẻ thì dúi con mới mở mắt. Dúi con tuy chưa mở mắt nhưng đã biết ăn. Dúi con mò mẫm ăn những thức ăn của dúi mẹ.

Sau 20 ngày tuổi, dúi con có thể tập ăn các loại thức ăn cứng như mía, tre. Cho dúi con tách mẹ khi được 1,5 tháng. Khi dúi được khoảng 2-3kg thì có thể tiến hành xuất bán.

6.2. Kỹ thuật chăn nuôi dúi thương phẩm

Cần chú ý phải cho dúi ăn đủ thức ăn để tránh khi đói chúng sẽ cắn nhau. Ngoài ra cần bố trí các vật trú ngụ sao cho phù hợp để hạn chế tối đa việc dễ cắn lẫn nhau.

Hiện chưa phát hiện dịch bệnh xảy ra trên dúi khi nuôi. Tuy nhiên, nếu cho ăn không đủ các loại thức ăn cứng như tre, mía, thì dúi sẽ bị dài răng. Và khi thiếu nước dúi sẽ chết hoặc để dúi cắn nhau mà nếu không phát hiện kịp thì nó cũng rất dễ bị chết.

7. Các bệnh thường gặp và cách phòng tránh

Để phòng bệnh trên dúi, chuồng trại nuôi dúi phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Con dúi là động vật hoang dã mới được thuần hóa trong những năm gần đây, sức đề kháng mạnh vì thế nên ít mắc dịch bệnh. Đây cũng là một trong những lý do nhiều hộ chăn nuôi chia sẻ rằng kỹ thuật chăn nuôi dúi khá đơn giản và tiết kiệm. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan, vì dúi có thể mắc một số bệnh như bệnh ngoài da, bệnh đường ruột.

Trường hợp dúi bị bệnh ngoài da, có thể dùng thuốc kháng sinh hoặc để dúi tự liếm vết thương, vết thương sẽ tự khỏi. Hàng tháng nên tiến hành vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh nơi nuôi dúi.

Trường hợp dúi bị bệnh đường ruột, thường gặp nhất là bị tiêu chảy, nguyên nhân chủ yếu là do không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho dúi. Trong trường hợp đó, có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn, nước uống có vị đắng, chát như ổi xanh, rễ dừa cà rốt, rễ cau,… Để phòng bệnh tiêu chảy trên dúi, không nên cho dúi ăn các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn cho dúi phải phong phú và đa dạng./.

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT NUÔI NHÍM
Một số điều lưu ý về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Các tin cũ hơn:
KỸ THUẬT CHĂN NUÔI DÊ
Cần đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi vỗ béo bò
Kỹ thuật trồng một số loại cây làm thức ăn cho gia súc
Xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi - một số công nghệ mới
Quy trình ủ chua cỏ xanh dự trữ làm thức ăn cho gia súc
Kỹ thuật nuôi trùn quế
Những điều cần biết về tinh phân biệt giới tính trên vật nuôi
Chất thải trong chăn nuôi và một số biện pháp xử lý
Bệnh liên cầu khuẩn lợn và biện pháp phòng trị
Nuôi nhông trên cát
    
1   2   3   4  
    






Liên kết Web

THÔNG TIN NGƯỜI PHÁT NGÔN

Họ và tên: Lương Thị Thủy

Chức vụ: Giám đốc

Số điện thoại: 0988.336.228

Email: thuylt3@quangnam.gov.vn

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006830691

    Lượt trong ngày 4109
    Hôm qua: 5544
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 77
    Tổng số 6830691