Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Hiệu quả chương trình phát triển chăn nuôi bò tại thị xã Điện Bàn
Người đăng: Ánh Tuyết + Lê Thương .Ngày đăng: 15/05/2023 15:46 .Lượt xem: 891 lượt.
Nằm ở vị trí địa hành chính có nhiều lợi thế của tỉnh Quảng Nam, thị xã Điện Bàn có dư địa, tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp một cách toàn diện, trong đó con bò sớm được xác định là mũi nhọn trong chăn nuôi nói riêng và trong tổng thể ngành nông nghiệp nói chung.

             Mặc dù là địa phương không có lợi thế về diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông nghiệp giảm dần từ 80% vào năm 1990 xuống còn dưới 15% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của Thị xã đã tăng trưởng khá cao trong nhiều năm qua. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành chăn nuôi, nhất là hiệu quả vượt bậc của nghề chăn nuôi bò thịt cao sản.

Chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng (CTNCCL) đàn bò được thực hiện nhằm từng bước cải tạo năng suất thấp của bò vàng Quảng Nam (khối lượng trưởng thành ở con cái khoảng 180kg, con đực 250kg, tỉ lệ thịt xẻ 42%, tỉ lệ thịt tinh 31%) thông qua việc sử dụng các giống bò thuộc nhóm bò Zebu như bò Red Sinhhi, Brahman, Shahiwal… có nguồn gốc từ Ấn độ, có đặc điểm thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, oi bức, có ngoại hình u vai, yếm rốn phát triển, phù hợp với thị hiếu của người chăn nuôi, khối lượng trưởng thành con cái trên 450kg, con đực trên 600kg. Tỉ lệ thịt xẻ 50%, tỉ lệ thịt tinh 40%.

Sau khi đàn bò nái nền đạt được tầm vóc to lớn về khung xương với tỉ lệ máu Zebu từ 50% trở lên thì tiếp tục cho lai tạo với các giống bò thịt cao sản nguồn gốc ôn đới như Bò Charolais, Limousine của Pháp, bò Droughmaster, Angus của Úc, BBB của Bỉ…để tạo ra bò thịt nuôi thương phẩm nhằm tăng năng suất và sản lượng thịt bò, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần tăng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi bò thịt một cách bền vững.



Bò đực Brahman (thuộc nhóm bò Ze bu) được sử dụng để cải tào đàn bò vàng địa phương

Tiến trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò

Chương trình CTNCCL đàn bò tại TX Điện Bàn được tạm chia thành các giai đoạn sau:

* Giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2020

Thời điểm đó, huyện Điện Bàn sử dụng cả 2 phương pháp: thụ tinh nhân tạo bằng tinh đông viên và dùng bò đực lai Zebu cho nhảy trực tiếp nhằm đẩy nhanh tốc độ lai tạo. Thời điểm năm 1993, tỉ lệ bò lai Zebu ở Điện Bàn dưới 5% với tỉ lệ máu lai không quá 25%.

Dự án “ Zebu hoá cải tạo đàn bò” của quốc gia mà cơ quan trực tiếp chuyển giao công nghệ là Trung tâm Khuyến Nông quốc gia đã đầu tư trang thiết bị như bình ni tơ lớn, bình ni tơ công tác, đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên cho từng thôn xã. Người chăn nuôi bò được nhận hỗ trợ tinh đông viên, dụng cụ phối giống, ni tơ lỏng để bảo quản tinh bò và công phối giống, các xã còn được hỗ trợ bò đực giống lai Zebu để nuôi dùng cho nhảy trực tiếp. Tuyệt đối không cho người chăn nuôi sử dụng bò đực là bò vàng để nhảy trực tiếp.

* Từ năm 2001 đến năm 2007

Giai đoạn này, huyện Điện Bàn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tinh bò, ni tơ lỏng và dụng cụ phối giống của Trung ương từ năm 2001 đến hết năm 2003. Sau đó, chương trình cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò của huyện Điện Bàn được tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tinh bò, vật tư bảo quản tinh bò và công phối giống từ cơ chế của Uỷ ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam thông qua quyết định số 66/2004/QĐ-UB ngày 20/8/2004. Đây là quyết định về cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2004-2007. Đồng thời bắt đầu chuyển từ sử dụng tinh bò đông viên sang sử dụng tinh bò cọng rạ và súng bắn tinh, một công nghệ mới tiến bộ hơn nhằm sử dụng được nhiều tinh bò nhập ngoại. Bên cạnh hỗ trợ tinh bò cọng rạ, vật tư và dụng cụ phối giống, công phối giống, cơ chế 66 còn hỗ trợ các địa phương đào tạo hàng loạt các dẫn tinh viên trẻ, có tay nghề cao và cơ quan trực tiếp huấn luyện đào tạo các dẫn tinh viên này là Trung Tâm Khuyến Nông tỉnh Quảng Nam. Phải nói đây là giai đoạn mà phong trào nuôi bò lai diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên toàn tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Điện Bàn nói riêng. Cơ chế 66 của UBND Tỉnh là đòn bẫy góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ Zebu hoá đàn bò trên toàn tỉnh Quảng Nam mà trong đó Điện Bàn là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào này.

* Từ năm 2008 đến năm 2012

Từ sau năm 2007, sau khi cơ chế hỗ trợ theo Quyết định 66 của UBND tỉnh đã kết thúc, người chăn nuôi bò tại các địa phương tiếp tục được nhận sự đầu tư hỗ trợ tinh bò, vật tư phối giống bò thông qua nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của Trung Tâm Phát triển Chăn nuôi trực thuộc Sở Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam.

Riêng năm 2012, áp dụng Quyết định 35/2012/QĐ-UBND về cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng nam giai đoạn 2012-2015, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần là 500 triệu đồng để mua mới trang thiết bị phục vụ chương trình cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò gồm bình ni tơ 35 lít, bình ni tơ công tác, đào tạo nâng cấp đội ngũ dẫn tinh viên cơ sở.

Giai đoạn này, bằng nguồn hỗ trợ từ Trung Tâm Khuyến Nông Quốc Gia, từ Trung tâm giống tỉnh Quảng Nam, huyện Điện Bàn đã bắt đầu bước sang quá trình nâng cao chất lượng đàn bò bằng cách thử nghiệm phối các giống bò thịt cao sản có nguồn gốc ôn đới như giống bò Limousine, Charolais, Angus … trên nền bò cái lai có tỉ lệ 50% máu Zebu trở lên… thật sự thời điểm đó, ngoại hình của các giống bò thịt cao sản chưa phù hợp với thị hiếu của người chăn nuôi, cần phải có thời gian để thị trường thích nghi dần.




Giống bò Limousine của Pháp có năng suất, chất lượng cao

                    Song song với công tác giống, huyện Điện Bàn (trực tiếp là Trạm Khuyến Nông) đã triển khai các mô hình khuyến nông để phục vụ chương trình cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò như xây dựng các mô hình nhân giống cỏ cao sản như cỏ VA06, cỏ voi, cỏ sả…, chế biến các phụ phẩm ngành trồng trọt để làm thức ăn cho bò như rơm ủ ure, ủ chua thân cây bắp để dự trữ cho mùa mưa lũ… tạo nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò. Bên cạnh đó, trạm Khuyến Nông còn triển khai nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt thâm canh, vỗ béo bò trước khi xuất bán, kỹ thuật nuôi bò nái sinh sản…các lớp tập huấn về lí thuyết và hướng dẫn thực hành được triển khai đến tận các thôn, các câu lạc bộ chăn nuôi bò trên toàn Huyện với hơn 8.000 lượt người tham gia. Nhờ đó, các mô hình khuyến nông được lan toả, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt thâm canh được người nông dân thực hiện tốt, góp phần mang lại thành công cho chương trình nâng cao chất lượng đàn bò trên toàn Huyện Điện Bàn.

* Từ năm 2013 đến năm 2022

Bắt đầu từ năm 2013, các nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò của Trung ương và của Tỉnh đã kết thúc, thị xã Điện Bàn tiếp tục mua các loại tinh bò thịt cao sản nhập ngoại để thực hiện chương trình nâng cao chất lượng đàn bò thịt trên địa bàn thị xã từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của thị xã Điện Bàn thông qua Trạm Khuyến Nông Điện Bàn. Giai đoạn này, thị trường tiêu thụ và thị hiếu của người chăn nuôi bò đã ưa chuộng các giống bò thịt cao sản. Trạm Khuyến Nông bắt đầu cung cấp các giống bò thịt cao sản như bò Limousine, Charolais, Droughmaster và đặc biệt là giống bò thịt BBB để nâng cao chất lượng đàn bò thịt của địa phương thông qua dịch vụ mua bán tinh, ni tơ, dụng cụ phối giống. Đến nay đã gần 10 năm, ngân sách nhà nước không còn hỗ trợ cho người chăn nuôi về công tác giống nữa, nhưng phong trào chăn nuôi bò thịt cao sản tại Điện Bàn vẫn diễn ra sôi nổi, trở thành nguồn thu nhập chính của người nông dân Thị xã. Điều đó cho thấy chương trình: “Cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò” đã thành công xuyên suốt 30 năm qua (từ 1993 đến 2022).



Bò đực giống BBB thuần của Bỉ hiện đang được sử dụng nhiều để lai tạo bò thịt chất lượng cao

Song song với dịch vụ cung ứng tinh bò và vật tư phối giống, Trạm Khuyến Nông Thị xã )nay là Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp) tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông như: xây dựng các mô hình nuôi bò theo hướng công nghiệp, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc để chế biến thức ăn thô xanh, hướng dẫn tự phối trộn thức ăn tinh cho bò thịt, bò cái nuôi con theo công thức nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng năng suất của các giống bò thịt cao sản, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề chăn nuôi bò. Mô hình Xử lý chất thải chăn nuôi bò bằng chế phẩm vi sinh nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vi sinh cung cấp cho ngành trồng trọt, góp phần phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững

Kết quả đạt được từ chương trình

          Sau 30 năm cùng thực hiện chương trình, đã làm tổng đàn bò của Thị xã từ 12.000 con bò vào năm 2000 lên đến 24.623 con vào năm 2022. Tỉ lệ bò lai từ chỗ dưới 5% bò lai trên tổng đàn (với tỉ lệ máu lai Zebu dưới 25%) vào năm 1993 thì đến năm 2022, tỉ lệ bò lai đạt 99% với tỉ lệ máu Zebu trên 25%. Trong đó có 75% bò lai đạt tỉ lệ máu lai trên 75%.

Về chất lượng đàn bò, từ khối lượng phối giống lần đầu của bò nái hậu bị 160kg/con vào những năm đầu thập niên 90, cho đến nay, khối lượng phối giống lần đầu của bò nái đạt trên 250 kg/con.Khối lượng bò thịt xuất chuồng hiện nay đạt trên 600 kg/con, tăng trọng bình quân trên 900g/con/ngày. Tỉ lệ thịt xẻ đạt trên 60%, tỉ lệ thịt tinh 45%. So sánh với bò thịt xuất chuồng thời điểm trước năm 2000, khối lượng xuất chuồng tăng gấp 2,5 lần, tỉ lệ thịt xẻ, thịt tinh tăng gấp 1,5 lần, tăng trọng/con/ngày của bò thịt tăng gấp 2 lần.

Trong quá trình thực hiện chương trình, tổng lượng tinh bò đã được phối giống nhân tạo khoảng 125.000 liều. Đội ngũ dẫn tinh viên được đào tạo và hoạt động trên toàn thị xã là 28 người. tất cả đều được trang bị bình ni tơ công tác để hành nghề.



Mô hình nuôi bò lai BBB tại xã Điện Phước, TX Điện Bàn năm 2023


Hiệu quả của chương trình được thể hiện qua các mặt

Về mặt kinh tế, theo số liệu từ niên giám thống kê của thị xã, vào năm 1995, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 49.695 triệu đồng. Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 1.342 tỷ 842 triệu đồng (theo giá hiện hành). Trong đó chăn nuôi bò đạt 206 tỷ 550 triệu đồng. Góp phần đưa tỉ trọng của ngành chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp từ 40% lên hơn 60%. (giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 2.231 tỷ 048 triệu đồng).  Doanh thu từ chăn nuôi bò của người nông dân Điện Bàn trung bình là 15 triệu đồng/con  bê cai sữa 6 tháng tuổi đối với bê lai Zebu và 20 triệu đồng/con bê cai sữa lai siêu thịt 3B. Giá xuất chuồng bò thịt trung bình 50 triệu đồng/con. Đối với bò lai 3B có con lên đến 70 triệu đồng. Chi phí chăn nuôi bò không cao như chăn nuôi heo và gia cầm, vì vậy lợi nhuận (lãi ròng) thu được từ nghề chăn nuôi bò là khá cao, trung bình đạt 10 triệu đồng/con/năm. Qui mô các hộ thường nuôi từ 10- 50 con/chuồng. Đây là nguồn thu nhập cao và ổn định đối với người nông dân.

Về mặt xã hội, chương trình CTNCCL đàn bò đã tạo sinh kế bền vững cho người nông dân thị xã Điện Bàn, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho cuộc sống người dân vùng nông thôn. Từ nghề nuôi bò theo phương thức quảng canh, cho đến nay, chăn nuôi bò đã trở thành ngành sản xuất hàng hoá. Chương trình đã nâng cao trình độ, kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò đối với người nông dân, đây chính là kết quả phi vật thể ngoài lợi ích kinh tế, là tiền đề để người nông dân Điện Bàn có khả năng hội nhập với ngành nông nghiệp tiến bộ của thế giới.

Mục tiêu phát triển đàn bò của thị xã thời gian tới

 Điện Bàn xác định con bò là đối tượng vật nuôi chủ lực để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp khu vực ven đô, tạo thu nhập cao, ổn định và bền vững cho người nông dân (gồm bò nái sinh sản và bò thịt) nhằm hướng tới các mục tiêu:

          - Giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đạt chất lượng thịt bò thơm ngon nhờ phương pháp nuôi dưỡng phù hợp với sinh lý tiêu hoá đặc trưng của loài bò, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế một cách bền vững. Quan tâm về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm bò thịt hơn chỉ tiêu về số lượng.

- Xây dựng thương hiệu bò thịt Điện Bàn:  An toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng, không sử dụng hormon tăng trưởng và chất kích thích tăng trọng. Áp dụng phương pháp chăn nuôi sạch, thức ăn sạch, giết mổ sạch để cung cấp cho thị trường là các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thịt sạch…tại thị trường Điện Bàn, Hội An và thành phố Đà Nẵng

Để thực hiện được mục tiêu đó, Thị xã tập trung triển khai các chương trình, mô hình, dự án trong ỵoeif gian đến như sau:

Một là, nhân giống đàn bò nái sinh sản: Hình thành vùng chuyên sản xuất con giống bò hậu bị nuôi thịt ở các xã: Điện Tiến, Điện Hồng, Điện Hoà, Điện Thọ, Điện Phước…nhằm chủ động tạo ra giống bò thịt để cung ứng cho các vùng chuyên nuôi bò thịt tại 3 xã Gò Nổi. Như vậy sẽ không có sự du nhập bò giống từ địa phương khác đến, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, giá bò nuôi được thoả thuận mua bán thông qua Câu Lạc Bộ chăn nuôi, Hội nhóm Zalo, Tổ Khuyến nông cộng đồng…

Hai là, xây dựng các mô hình nuôi bò thịt sạch, giảm chi phí sản xuất, tận dụng triệt để phụ phẩm ngành trồng trọt, tự phối trộn thức ăn tinh theo công thức nhằm nuôi bò nhanh lớn nhưng chi phí thức ăn thấp, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Ba là, tạo đầu ra ổn định: Liên kết với các tư thương làm công tác thu mua, giết mổ tại lò mổ tập trung đảm bảo an tòan vệ sinh thực phẩm và kết nối đầu ra tại thị trường Hội An, Đà Nẵng, các cửa hàng thịt sạch, chợ dân sinh tại Điện Bàn, Hội An và Đà Nẵng.

Bốn là, xây dựng vùng chuyên sản xuất thức ăn xanh cho bò: Tăng diện tích đất trồng cỏ, trồng màu nhằm chủ động tạo nguồn thức ăn cho bò, hỗ trợ giống cỏ VA06 để tăng năng suất cỏ, sử dụng diện tích đất bỏ hoang để trồng cỏ chăn nuôi.

Năm là, khuyến cáo việc xử lý chất thải chăn nuôi: Hỗ trợ men vi sinh cho người dân thu gom xử lý chất thải chăn nuôi bò để sản xuất phân hữu cơ dùng bón cho cây trồng, góp phần cải tạo đất sản xuất, giảm thiểu  việc sử dụng phân hoá học, hướng tới ngành nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khoẻ con người. Môi rường chăn nuôi được bảo vệ, không gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, nguồn phân bò đã qua xử lý bằng chế phẩm vi sinh có thể bán với giá cao, tăng nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi bò.
   



   Mô hình nuôi bò lai BBB xử lý chất thải bằng men vi sinh tại Điện Phòng năm 2023

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Tỉnh kết nghĩa Sê Koong (Lào): Phát động hưởng ứng ngày trồng cây Quốc gia
Dự án (VFBC): Tập huấn kỹ năng truyền thông về quản lý rừng bền vững
HỘI CHỢ GIỚI THIỆU SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP QUẢNG NAM
GÓC NHÌN VỀ LIÊN KẾT SẢN XUẤT TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ Kết quả thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam 2018 - 2023
TẬP HUẤN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO TỔ KHUYẾN NÔNG CỘNG ĐỒNG TẠI XÃ MÀ COOIH – ĐÔNG GIANG
Quảng Nam chú trọng phát triển cây ăn quả ở miền núi, trung du
TẬP HUẤN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO TỔ KHUYẾN NÔNG CỘNG ĐỒNG TẠI QUẢNG NAM
TẬP HUẤN: Tuyên truyền phổ biến Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2023
Hội thảo đánh giá tình hình xây dựng và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng huyện Nam Giang và Nam Trà My
TẬP HUẤN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO TỔ KHUYẾN NÔNG CỘNG ĐỒNG TẠI XÃ TRÀ SƠN, HUYỆN BẮC TRÀ MY
    
1   2   3   4   5   6  
    
Các tin cũ hơn:
Qũy Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam: Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
Nhật ký Hoàng Sa: Lao về “tọa độ nóng”
Sản xuất thành công cua giống bằng thức ăn công nghiệp
Quy hoạch xuất khẩu hồ tiêu phấn đấu mức kim ngạch 1,2 tỷ USD
Nông sản Việt tìm thị trường ở châu Phi
Các bài thuốc chữa Áp huyết thấp
Sự kiện: Bí quyết sống khỏe
Tình hình và triển vọng sản lượng và xuất khẩu cao su Việt Nam
Một số nội dung cơ bản của Nghị định 67/2014/NĐ-CP
Phát hiện gấu ngựa ở Quảng Nam
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    






Liên kết Web

THÔNG TIN NGƯỜI PHÁT NGÔN

Họ và tên: Lương Thị Thủy

Chức vụ: Giám đốc

Số điện thoại: 0988.336.228

Email: thuylt3@quangnam.gov.vn

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006830431

    Lượt trong ngày 3849
    Hôm qua: 5544
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 72
    Tổng số 6830431