Kỳ 2: Một số thành tựu nổi bật của toàn hệ thống
Các chương trình, dự án xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn khuyến nông được triển khai khá toàn diện, có tác động tích cực đối với sản xuất và đời sống của nông dân
Trong lĩnh vực trồng trọt , các chương trình, dự án khuyến nông thực hiện trong giai đoạn là khoảng gần 250 điểm trình diễn mô hình, bố trí đa dạng chủng loại cây trồng và gắn với chủ trương ưu tiên phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh ở từng giai đoạn, từng vùng, từng địa phương cụ thể.
Mô hình sản xuất lúa lai tại huyện Đại Lộc - tỉnh Quảng Nam
- Chương trình khuyến nông lúa lai, ngô lai: thông qua chương trình khuyến nông phát triển lúa lai, đến nay diện tích gieo cấy lúa lai cả tỉnh đạt khoảng 600 - 700 ha/năm, năng suất lúa trung bình tăng cao hơn lúa thuần khoảng 15 tạ/ha. Chương trình khuyến nông ngô lai góp phần đưa diện tích sản xuất ngô từ chỗ tỷ lệ sử dụng giống ngô lai < 10% trước năm 1995, đến nay cây ngô lai đã chiếm trên 95% diện tích trồng ngô, với bộ giống ngô lai rất phong phú.
- Các chương trình khuyến nông phát triển lạc, mía, cây sắn, rau đậu thực phẩm, trồng nấm các loại, phát triển cây dược liệu, cây ăn quả,... cũng được triển khai với việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ giống mới, kỹ thuật thâm canh, thu hoạch và chế biến... góp phần thúc đẩy các ngành hàng sản xuất này phát triển toàn diện cả về năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng toàn diện.
- Chương trình khuyến nông chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã góp phần thay đổi phương thức canh tác theo hướng phát huy mặt thuận lợi thế mạnh, né tránh và khắc phục các yếu tố bất lợi ở từng vùng để sản xuất đạt hiệu quả cao, bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Bình quân giá trị sản xuất/ha đất canh tác tăng từ 10,5 triệu đồng năm 1995 lên trên 60 triệu đồng/ha vào năm 2020.
Thành công có ý nghĩa nhất là chuyển cơ cấu 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ lúa ăn chắc, đảm bảo né tránh thiên tai, sản xuất ổn định. Từ những năm 1996 - 1998, Khuyến nông cùng với các địa phương xây dựng các mô hình thực nghiệm, trình diễn việc sản xuất 2 vụ lúa/năm thay cho sản xuất 3 vụ cho thấy hiệu quả sản xuất tăng rõ rệt, từ đó đúc kết kinh nghiệm, mô hình hóa, hoàn thiện quy trình sản xuất, tham mưa cho Ngành và Tỉnh ra chủ trương chuyển đổi, chỉ 2 năm từ năm 1999 - 2000, Quảng Nam đã thực hiện thành công chủ trương này trên toàn tỉnh.
Từ sau khi chuyển vụ đến nay, trong sản xuất lúa Quảng Nam luôn chú trọng áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật như: Du nhập, khảo nghiệm chọn lựa bộ giống lúa có năng suất cao, chất lượng khá, kháng sâu, bệnh phù hợp với điều kiện, chế độ canh tác 2 vụ lúa, nhất là gia tăng sử dụng giống lúa kỹ thuật; ứng dụng rộng rãi mô hình 3 giảm, 3 tăng kết hợp với công cụ sạ hàng; xây dựng thành công các cánh đồng IPM, INM, ICM, SRI, phân viên dúi sâu, ứng dụng các chế phẩm sinh học làm phân bón, xây dựng cánh đồng mẫu lớn liên kết trong sản xuất lúa, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch, chế biến...tất cả đã giúp cho ngành sản xuất lúa của Quảng Nam ngày một gia tăng cả năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả.
Ngoài ra, còn thực hiện chuyển từ gieo sạ lúa liên tục trong năm sang gieo sạ theo từng trà, từng vụ, thu hẹp trà lúa Xuân Hè... để hạn chế sâu bệnh, giảm áp lực trong khâu thu hoạch, phơi sấy và tiêu thụ, chủ động ứng phó với hạn mặn và lũ; Chuyển một số diện tích đất ruộng cao không chủ động tưới ở vùng trung du miền núi sang trồng cây màu, cây công nghiệp chủ lực, cây ăn quả, cây thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc.
Về tình hình liên kết sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt: Bằng sự nổ lực của toàn ngành (trong đó có hệ thống khuyến nông), tính chung đến năm 2022, có 33 Công ty, đơn vị tổ chức sản xuất giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, trong đó có 30 công ty sản xuất giống lúa, 01 công ty sản xuất giống lúa, ngô, 01 công ty sản xuất giống ớt, 01 công ty sản xuất giống hành tím. Tổng diện tích sản xuất giống lúa 5.127,5 ha, trong đó vụ Đông Xuân 2021- 2022 là 4.088,5 ha, vụ Hè thu 2022 là 1.039 ha (diện tích sản xuất giống lúa lai F1 là 292 ha, lúa thường 4.835,5 ha). Diện tích sản xuất giống ngô 20 ha, diện tích sản xuất giống ớt 02 ha, diện tích sản xuất giống hành tím 02 ha.
Đối với cây ăn quả: Các mô hình cây ăn quả gắn với kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại các huyện miền núi bước đầu đã tạo ra một số sản phẩm hàng hóa đặc thù góp phần tăng thu nhập ổn định cho người dân. Diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 8.000 hecta, chủ yếu là: Chuối, Xoài, Mít, Ổi, Sầu riêng, Măng cụt, Vú sữa, các loại cây có múi,.. các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới được đưa vào sản xuất như hệ thống tưới (nhỏ giọt, phun mưa...), canh tác hữu cơ; mạnh dạn đưa vào khảo nghiệm, trồng một số loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao,... cho hiệu quả khá, góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình, có những mô hình vườn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Đối với cây dược liệu: Trên cơ sở chủ truong, cơ chế khuyến khích bảo tồn và tập trung phát triển cây dược liệu của tỉnh, hệ thống khuyến nông đã xây dựng nhiều mô hình trồng dược liệu, góp phần tạo sinh kế cho người dân vùng núi. Đến nay, toàn tỉnh diện tích cây dược liệu qua thống kê khoảng 2.470 ha dược liệu các loại, chủ yếu trồng ở các huyện miền núi. Việc phát triển dược liệu đã đóng góp tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị sản xuất cho nông dân nông thôn, nhất là khu vực miền núi cao. Tạo động lực quan trọng để tỉnh định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi trong thời gian tới. Giá trị sản phẩm cây dược liệu được tăng lên, trong đó nhiều sản phẩm cây dược liệu được chứng nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, các chương trình, dự án có khoảng 200 điểm trình diễn mô hình, tập trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về cải tạo giống, áp dụng các giống vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao; chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi gia trại, trang trại thâm canh; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Một số chương trình khuyến nông tiêu biểu trong lĩnh vực này là: Chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, Chương trình phát triển lợn lai hướng nạc, Chương trình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm an toàn sinh học, Chương trình chăn nuôi áp dụng VietGAHP, Chăn nuôi các giống vật nuôi bản địa theo hướng an toàn dịch bệnh và hiệu quả kinh tế cao...
Mô hình nuôi bò lai BBB tại xã Điện Phước - TX Điện Bàn
Các chương trình, dự án khuyến nông chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, thay đổi tập quán chăn nuôi từ quảng canh, tận dụng là chính sang chăn nuôi tập trung có đầu tư, thâm canh gắn với đảm bảo sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong chăn nuôi, chương trình có hiệu quả thiết thực và xuyên suốt trong khoảng thời gian dài (từ năm 1993 đến nay) phải kể đến là cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò. Thông qua chương trình, tỷ lệ bò lai của tỉnh hiện đã đạt trên 85% (có địa phương đạt gần 100%). Ngoài các giống bò ngoại được lai tạo cho năng suất chất lượng cao như: nhóm Zê bu, Charolaise, Augus, Droumaster, Limousine, Crimousine…thì hiện tại giống bò lai BBB đang cho hiệu quả tối ưu, được khuyến cáo nhân rộng nuôi.
Về lĩnh vực khuyến lâm, bằng nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương, trong 30 năm hoạt động hệ thống khuyến nông Quảng Nam đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện gần 180 điểm trình diễn mô hình khuyến lâm, với 1.678 hộ nông dân tham gia thực hiện, và có 41.683 lượt nông dân được tập huấn, hưởng lợi. Các mô hình khuyến lâm với trọng tâm là ứng dụng các tiến bộ về giống và kỹ thuật lâm sinh để trồng rừng thâm canh, phát triển các loài cây rừng có năng suất cao, chất lượng phù hợp (trồng rừng thâm canh cây keo tai tượng, mô hình trồng rừng thâm canh cây keo lai hom, mô hình trồng rừng thâm canh cây keo lai nuôi cấy mô), mô hình phát triển trồng rừng gỗ lớn, mô hình trồng rừng thâm canh cây mây nếp, mây nước, mô hình trồng Dó bầu xen cây keo lai hom, mô hình NLKH Dó bầu xen chuối, keo lai hom xen chuối, mô hình trồng tre điền trúc lấy măng, mô hình phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, mô hình trồng cây đặc sản kết hợp cây dược liệu, mô hình vườn rừng trồng Dó bầu, mô hình canh tác NLKH bền vững trên đất dốc...
Mô hình trồng rừng gỗ lớn kết hợp xây dựng chứng chỉ rừng bền vững FSC
Thông qua các mô hình khuyến lâm và công tác thông tin tuyên truyền, hệ thống Khuyến nông Quảng Nam đã góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân từ việc chỉ dựa vào khai thác rừng tự nhiên sang phát triển trồng rừng theo hướng bền vững, tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống và giải quyết công ăn việc làm cho nông dân, cải tạo đất và bảo vệ tài nguyên đất, góp phần nâng cao độ che phủ rừng. Hiện nay, các mô hình trồng rừng gỗ lớn gắn với thực hiện chứng chỉ FSC hướng tới phục vụ chế biến và xuất khẩu đang được phát triển trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các mô hình trồng rừng gỗ lớn kết hợp với thu hái sản phẩm hạt cũng đang được quan tâm nhân rộng vì đây là đối tượng cho giá trị kinh tế cao như mô hình trồng dỗi.
Đối với lĩnh vực khuyến ngư, trong giai đoạn từ năm 1993 đến nay công tác khuyến ngư đã xây dựng được gần 200 điểm trình diễn mô hình, nhập và chuyển giao hơn 10 công nghệ mới, tiên tiến. Đã áp dụng thành công một số công nghệ mới, công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy sản. Trong nuôi tôm đã áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, công nghệ sinh học mới, hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, trong nhà lưới, theo hướng VietGAP, đặc biệt trong nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt ở vùng cát ven biển. Sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao, sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý nước và thức ăn để đạt tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường.
Mô hình nuôi cá lồng bà trên hồ thủy điện tại xã Chà Val - huyện Nam Giang
Về khai thác và chế biến thủy sản, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiên tiến vào nghề khai thác hải sản xa bờ hiệu quả, bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác và nuôi trồng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến mực, cá, nước mắm.
Trong những năm gần đây, thông qua các chương trình trọng điểm của ngành thủy sản đã góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông, ngư dân, thay đổi sâu sắc về phương thức sản xuất thủy sản từ chỗ chủ yếu dựa vào khai thác và nuôi thả quảng canh sang nuôi trồng bán thâm canh và thâm canh, từ nuôi tự phát phân tán sang nuôi trồng tập trung theo quy hoạch, gắn với cơ sở chế biến, xuất khẩu.
Về lĩnh vực cơ giới hoá, bảo quản và chế biến nông lâm sản, hiệu quả chương trình đã giúp nông dân tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Thông qua các chương trình, dự án đã góp phần đưa nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển. Hiện nay trong sản xuất lúa ở các vùng đồng bằng tập trung, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, vận chuyển đạt trên 95%, trong khâu tưới tiêu trên 90%, khâu thu hoạch trên 70%, tạo điều kiện giải phóng lao động nặng nhọc và nâng cao năng suất lao động; khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động lúc thời vụ căng thẳng, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, rút ngắn thời gian gieo cấy và thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.
Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa tại cánh đồng mẫu lớn xã Quế Phú - huyện Quế Sơn
Các chương trình, dự án khuyến nông ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chuyển đổi số và hoạt động khuyến nông đô thị góp phần tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (trồng rau hoa trong nhà lưới, nhà kính, công nghệ thủy canh, khí canh...). Đồng thời xây dựng và phổ biến các mô hình khuyến nông đô thị như: Sản xuất hoa, cây cảnh, thúc đẩy chuyển dich cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp kết hợp du lịch, tăng giá trị và thu nhập cho nông dân.
Các mô hình thích ứng với biến đổi khi hậu như mô hình nuôi thủy sản kết hợp với trồng rừng ngập mặn; mô hình sử dụng các giống thích nghi và chịu đựng với điều kiện khắc nghiệt như giống vịt biển, lúa chịu hạn, lạc chịu hạn,…một số mô hình ứng dụng phương thức canh tác tự nhiên thân thiện với môi trường (IMO); những mô hình phù hợp với trình độ sản xuất và đầu tư thâm canh thấp của người đồng bào dân tộc ít người vùng núi nhằm tạo sinh kế và cải thiện thực phẩm tại chỗ cho người dân
Hoạt động thông tin tuyên truyền, huấn luyện đào tạo khuyến nông ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả
Trong 30 năm, khuyến nông tỉnh đã tổ chức được 250 lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chuyên sâu từ nguồn kinh phí Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và chương trình sự nghiệp Tỉnh, với hơn 7.500 học viên tham gia là khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông, cán bộ phụ trách nông nghiệp, cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, các chủ trang trại và nông dân chủ chốt.
Tổ chức tập huấn trong mô hình trình diễn hơn 1.000 lớp cho gần 45.000 lượt nông dân tham gia; số lần hội thảo nhân rộng mô hình là gần 450 lần với trên 20.000 người tham gia; tổ chức 200 đợt tham quan mô hình trong tỉnh cho gần 8.000 lượt người tham gia học tập và nhiều chuyến tham quan học tập ngoài tỉnh cho cán bộ khuyến nông và nông dân diển hình tiên tiến tham gia.
In ấn hơn 100 đầu tài liệu khuyến nông (sổ tay khuyến nông, tờ gấp hướng dẫn, nông lịch, tài liệu cầm tay...) với hàng chục ngàn bản phát hành để phục vụ hoạt động khuyến nông các cấp và sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.
Thông qua kênh sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, phối hợp với các đơn vị liên quan trong ngành và địa phương triển khai xây dựng và phát sóng gần 200 chuyên mục trên sóng truyền hình Quảng Nam. Thực hiện tuyên truyền qua Báo Quảng Nam đăng tải gần 200 bài viết trên trang Khuyến nông của Báo. Trang thông tin điện tử Khuyến nông hoạt động từ năm 2014 đến nay, mỗi ngày có 3 đến 5 triệu lượt truy cập. Đã đăng gần 2.000 tin và bài viết hướng dẫn sản xuất, thông tin thị trường giá cả, phòng ngừa dịch bệnh...
Nội dung chuyển tải qua các kênh thông tin nêu trên bao gồm: hướng dẫn tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, giới thiệu mô hình điển hình làm ăn hiệu quả, các sản phẩm OCOP chủ lực, mô hình liên kết sản xuất, phòng ngừa dịch hại cây trồng vật nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ngoài ra, hệ thống khuyến nông của Tỉnh đã tham gia tổ chức thành công các hoạt động: Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, hội chợ triễn lãm, hội nghị, hội thảo khoa học, tham quan học tập ở cấp độ tỉnh và quốc gia...
Ngoài ra, hệ thống khuyến nông cấp tỉnh còn tham gia cùng các đơn vị tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triến sản xuất nông lâm nghiệp có hiệu quả trong những năm qua; Thực hiện chương trình hợp tác Quốc tế, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; Phối hợp thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia...đạt hiệu quả, góp phần vào chủ trương phát triển “Nông nghiệp – nông dân – nông thôn” bền vững./.