Kỳ 1: Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của toàn hệ thống
Ngày 02/3/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/CP quy định về công tác khuyến nông, hệ thống Khuyến nông chuyên trách của tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng chính thức ra đời. Trải qua 30 năm hoạt động, với nhiều biến động ở mỗi thời kỳ, cùng với tiến trình phát triển của Ngành Nông nghiệp, tổ chức khuyến nông không ngừng phát triển, lớn mạnh từ Tỉnh đến cơ sở, thường xuyên gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Suốt chiều dài 30 năm kể từ ngày thành lập, hoạt động của hệ thống khuyến nông được điều chỉnh bởi các Nghị định sau: Nghị định số 13/1993/NĐ-CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ ban hành bản quy định về công tác khuyến nông; Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày 26/4/2005 của Chính phủ về Khuyến nông, Khuyến ngư; Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về Khuyến nông; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;
Mặc dù trong từng giai đoạn, hệ thống khuyến nông có sự thay đổi về tổ chức và tên gọi khác nhau, nội dung, phương pháp có bổ sung, phát triển theo từng giai đoạn, nhưng tổ chức khuyến nông tỉnh Quảng Nam các cấp vẫn liên tục phát triển và hoàn thiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và thôn, bản.
Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động hệ thống khuyến nông Quảng Nam (1993-2023)
* Về tổ chức Khuyến nông cấp tỉnh
Từ tháng 02/1997, cùng với việc chia tách và tái lập tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam được thành lập. Tiếp đó là việc sáp nhập 02 Trung tâm: Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Khuyến lâm thành Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm Quảng Nam.
Đến tháng 10/2004, Trung tâm Nông nghiệp – Khuyến nông tỉnh Quảng Nam được thành lập trên cơ sở nhập 2 đơn vị: Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm và Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp.
Đến ngày 01/01/2009 Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Quảng Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Khuyến ngư vào Trung tâm Nông nghiệp và Khuyến nông.
Tháng 3/2016, tổ chức khuyến nông cấp tỉnh được thành lập lại với tên gọi thống nhất chung là Trung tâm Khuyến nông (bao gồm cả khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư) và hoạt động cho đến thời điểm hiện tại.
Qua các biến động về tổ chức, số lượng cán bộ làm công tác khuyến nông cấp tỉnh thay đổi khác nhau. Có thời điểm số lượng cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh lên đến trên 50 người. Những năm gần đây, cán bộ khuyến nông cấp tỉnh ổn định với số lượng khoảng 30 người.
Ông Phạm Viết Tích - GĐ Sở NN&PTNT phát biểu chỉ đạo
tại Hội nghị Tổng kết 30 năm hoạt động Khuyến nông
* Về tổ chức Khuyến nông cấp huyện
Khi hệ thống khuyến nông Nhà nước ra đời, ở cấp huyện tiến hành thành lập các Trạm Khuyến nông (đối với các huyện, thị, thành phố vùng đồng bằng) trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Đối với các huyện miền núi có các Trạm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (trực thuộc UBND cấp huyện), có chức năng thực hiện công tác khuyến nông. Kể từ năm 2008, các Trạm Khuyến nông được bàn giao về UBND cấp huyện quản lý, chỉ đạo hoạt động.
Từ tháng 10/2017, thực hiện việc chuyển giao các Trạm Trồng ttri và Bảo vệ thực vật và Trạm Chăn nuôi và Thú y (trực thuộc các Chi cục chuyên ngành cấp tỉnh) về UBND cấp huyện và sáp nhập 03 Trạm để thành lập Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp hoạt động trên địa bàn cấp huyện cho đến nay với tổng số cán bộ hiện nay dao động trong khoảng từ 230-250 người.
* Về Khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông, các tổ chức khuyến nông tự nguyện
Từ ngày tái lập tỉnh, trên cơ sở qui định của các Nghị định, ở mỗi xã, phường, thị trấn đều có từ 01 - 02 khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) chuyên trách; một số huyện còn bố trí mỗi thôn, bản có 01 cộng tác viên khuyến nông (CTVKN) hoạt động bán chuyên trách. Đội ngũ KNVCS và CTVKN hoạt động hiệu quả, là cánh tay nối dài của hệ thống khuyến nông ở cấp xã, thôn bản.
Tuy nhiên, đến năm 2018, khi thực hiện Nghị định 83/CP của Chính phủ về Khuyến nông, do không qui định về tổ chức khuyến nông địa phương nên gần như hệ thống khuyến nông cơ sở bị bỏ ngõ, thậm chí là bị “đứt gãy”. Chỉ còn một vài địa phương còn duy trì đội ngũ này (Duy Xuyên: 14 KNV xã, thị trấn, 78 CTV thôn, khối phố; Thăng Bình: 22 KNV xã, thị trấn, 105 CTV thôn, khối phố; Đông Giang: 10 KNV xã, thị trấn; Bắc Trà My: 13 KNV xã, thị trấn; Tây Giang: 10 KNV xã…).
Các tổ chức khuyến nông tự nguyện cũng được ra đời với số lượng khá nhiều và hiệu quả hoạt động phong phú ngay từ ngày đầu hệ thống khuyến nông được thành lập. Câu lạc bộ khuyến nông, tổ nhóm cùng sở thích…có thời điểm lên đến gần 250 tổ chức. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay số lượng đã giảm đi nhiều do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ngày 14/9/2022, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2396/QĐ-UBND về Kế hoạch xây dựng Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, các Tổ Khuyến nông cộng đồng được triển khai thành lập và đi vào hoạt động. Tính đến đầu tháng 3/2023, số lượng các Tổ Khuyến nông cộng đồng đã được thành lập tại các địa phương đã đạt gần 300 Tổ, chiếm gần 30% số thôn, tổ của toàn tỉnh.
Cùng với sự ổn định, phát triển về số lượng thì phần lớn lực lượng cán bộ khuyến nông các cấp đã được đào tạo về chuyên môn, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ khuyến nông, có kinh nghiệm thực tiễn và rất tâm huyết với nghề, thường xuyên gắn bó với sản xuất, với nông dân.

Ban Chủ trì Hội nghị Tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông tỉnh Quảng Nam
* Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho khuyến nông ngày càng được tăng cường
Cùng với sự phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất của hệ thống khuyến nông các cấp trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được đầu tư để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Về trụ sở làm việc: Trung tâm Khuyến nông tỉnh và 100% Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện đến nay đã có trụ sở làm việc kiên cố, khang trang.
- Về trang thiết bị làm việc phục vụ hoạt động khuyến nông: cơ quan khuyến nông cấp tỉnh và trên 70% Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp cấp huyện được đầu tư đủ trang thiết bị văn phòng, thiết bị thông tin, đào tạo và phương tiện khác phục vụ công tác khuyến nông. Số còn lại còn thiếu nhiều trang thiết bị làm việc so với nhu cầu hoạt động khuyến nông.
* Phương pháp tiếp cận khuyến nông phù hợp nhu cầu sản xuất
Ngay từ những ngày đầu thành lập, hệ thống khuyến nông tỉnh đã kết hợp chặt chẽ, hài hòa 2 phương pháp tiếp cận khuyến nông cơ bản là:
+ Tiếp cận từ dưới lên: Xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất và nhu cầu của nông dân ở từng vùng, miền, từng giai đoạn cụ thể;
+ Tiếp cận theo mục tiêu chiến lược: Xây dựng và tổ chức thực hiện các Chương trình khuyến nông trọng điểm nhằm tập trung nguồn lực, sự chỉ đạo để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, địa phương trong từng giai đoạn.
Trên phạm vi toàn tỉnh và theo từng vùng, trong từng giai đoạn, phương pháp tiếp cận theo mục tiêu chiến lược là chủ đạo, nhưng trong từng địa phương, từng thời điểm cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của hộ nông dân để lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi, sản phẩm đặc trưng, lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật thích hợp hướng dẫn nông dân áp dụng nhằm phát huy lợi thế so sánh và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông. Phương pháp tiếp cận ngày càng đa chiều, đa ngành, đa lĩnh vực, nhanh chóng đổi mới để thích ứng trong tình hình mới.
Đại biểu dự Hội nghị Tổng kết 30 năm hoạt động hệ thống khuyến nông Quảng Nam
* Nội dung hoạt động khuyến nông luôn bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, thực tiễn sản xuất và sự phát triển của khoa học công nghệ
Những năm thập niên 90 của thế kỷ trước là giai đoạn sản xuất nông nghiệp chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang phát triển kinh tế nông hộ. Đồng thời thành tựu nổi bật của khoa học công nghệ trong nước giai đoạn này là ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế lai tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng vụ, tăng năng suất nhằm nâng cao sản lượng. Mặt khác, hệ thống khuyến nông cũng mới được thành lập, nội dung khuyến nông chủ yếu tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế nông hộ nhằm mục tiêu hàng đầu là xoá đói giảm nghèo. Hoạt động khuyến nông giai đoạn này tập trung vào 19 chương trình khuyến nông trọng điểm như: chương trình thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện khuyến nông; các chương trình khuyến nông về ứng dụng các giống mới như lúa lai, ngô lai, lạc, mía, các loại rau, quả ngắn ngày, có ưu thế lai cao để tăng năng suất, chuyển đổi mùa vụ, tăng vụ để tăng sản lượng, tăng hiệu quả sử dụng đất; các chương trình khuyến nông chăn nuôi tập trung vào ứng dụng các giống vật nuôi lai có tỷ lệ máu ngoại cao như bò lai hướng thịt, lợn lai hướng nạc, các giống gia cầm, thủy cầm lai chuyên thịt, chuyên trứng; các chương trình khuyến lâm tập trung vào phát triển nông lâm kết hợp để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trồng rừng nguyên liệu thâm canh, phát triển các loài cây lâm nghiệp bản địa; trong lĩnh vực thủy sản: Các chương trình khuyến ngư tập trung phát triển 5 hướng trọng điểm là: Cải tạo giống thuỷ sản; phát triển nuôi tôm sú; nuôi thuỷ sản nước lợ, nước mặn, nuôi biển đảo; nuôi thuỷ sản nước ngọt; khai thác hải sản xa bờ và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Đến nửa thập niên đầu thế kỷ 21, các tiến bộ kỹ thuật về giống chất lượng cao, các công nghệ canh tác hiện đại từng bước được ứng dụng vào sản xuất. Hoạt đông khuyến nông giai đoạn này tập trung vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất sử dụng. Bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi mùa vụ kết hợp với ứng dụng kỹ thuật thâm canh đồng bộ, tiên tiến đã thúc đẩy phong trào xây dựng cánh đồng thu nhập 50 triệu đồng/ha, thậm chí hàng trăm triệu đồng/ha/năm phát triển rộng khắp.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh tham gia Hội nghị Tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông
Từ năm 2007 đến nay, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật tăng năng suất, sản lượng nhằm cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho người dân, nội dung hoạt động khuyến nông đã chuyển dần sang chú trọng hỗ trợ các đối tượng nông dân sản xuất hàng hoá, áp dụng kỹ thuật thâm canh hợp lý và công nghệ hiện đại để tăng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời chú trọng bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý nông trại và kiến thức về thị trường cho nông dân để tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập cho nông dân và đảm bảo phát triển bền vững. Các chương trình khuyến nông về áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, phát triển mạnh trồng cây dược liệu; áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", “cơ giới hóa đồng bộ", ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ theo mô hình “cánh đồng mẫu”, “trang trại mẫu” … được triển khai rộng rãi và đạt kết quả khá tốt. Trong những năm gần đây, hệ thống khuyến nông đang tích cực tham gia các chương trình lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Giảm nghèo bền vững, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, Chương trình phòng tránh và thích ứng với biến đổi khí hậu,….