Bưởi da xanh (Ảnh minh họa)
1. Nguyên nhân gây bệnh nứt thân xì mủ
Bệnh nứt thân xì mủ do nấm Phytophthora spp gây ra. Nấm xâm nhập làm xì mủ trên thân, cành, gốc cây thông qua các vết nứt có sẵn và rất dễ lây lan, đặc biệt là trong mùa mưa ẩm bệnh xì mủ cây có múi thường phát triển mạnh và gây thiệt hại lớn. Nhất là những vườn thường xuyên bị ngập úng, điều kiện vệ sinh vườn kém, ít sử dụng phân hữu cơ. Các vết nứt này là biểu hiện của tình trạng cây bị thiếu hụt canxi.
2. Triệu chứng của bệnh
Bệnh xì mủ trên cây có múi không chỉ gây hại ở gốc, rễ của cây mà còn làm thối cả trái ở gần mặt đất, trái trưởng thành, trái trong tán.
- Trên thân phần gốc bị ủng nước, thối nâu, nứt. Nhựa màu vàng chảy ra từng vệt dài, sau đó hóa đen. Một số cây sẽ bị thối phần rễ, vỏ rễ dễ tuột khỏi lõi, rễ có mùi hôi.
- Một số cây bị nhiễm bệnh trên lá và cành khiến gân chính của lá bị vàng, cành bị chết ngược. Cây bị chảy nhiều nhựa, tán lá xơ xác.
Một số triệu chứng của bệnh gây trên gốc, rễ, thân cây
3. Tác hại
- Bệnh do nấm gây ra nên tốc độ lây lan rất nhanh. Nếu không kiểm soát kịp thời bệnh sẽ trở thành dịch và rất khó chữa trị.
- Bệnh làm tổn thương thân cây, ngăn cản quá trình vận chuyển nước và các chất dinh dưỡng lên để nuôi cây. Làm cho cây còi cọc kém phát triển, lá vàng và rụng, lá non không mọc được, cành chết, cây không thể quang hợp lâu ngày sẽ dẫn đến chết cây.
- Nếu cây bị bệnh trong giai đoạn nuôi trái, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng rụng trái rất nhiều. Làm giảm năng suất, thiệt hại về kinh tế
4. Cách xử lý bệnh nứt thân xì mủ
- Bệnh xuất phát từ việc cây thiếu canxi bo khiến vỏ của thân cây, cành cây và quả bị nứt tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây xì mủ. Cho nên để xử lý triệt để bệnh nứt thân xì mủ chúng ta cần phải tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Cạo sạch vết bệnh sau đó sử dụng anvil hoặc mancozed pha với tỷ lệ 1:1 quét đều lên vết bệnh để sát trùng vết thương và diệt sạch nấm bệnh trên đó.
Bước 2: Dùng anvil hoặc mancozed pha đều với nước phun phủ toàn cây để đảm bảo diệt sạch mầm bệnh.
Bước 3: Sau khi vết bệnh khô lại, cần bổ sung canxi bo cho cây đều đặn 2 tháng/lần để chống tình trạng cây bị nứt thân. Đây là bước xử lý quan trọng mà rất nhiều nhà vườn thường bỏ qua khiến cho bệnh tái phát rất nhanh mà không hiểu nguyên nhân.
Xử lý vết bệnh đúng cách giúp cây phục hồi, sinh trưởng phát triển tốt
* Lưu ý: Trong quá trình phòng trừ bệnh cần tiến hành vệ sinh vườn, cắt tỉa các cành sát mặt đất, dọn sạch tàn dư trong vườn hạn chế mầm bệnh lưu tồn, lây lan; đào mương, vét rãnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thoát nước sau những đợt mưa lớn; bón bổ sung lượng phân lân 0,2-0,4 kg/cây (có thể pha 0,2 kg lân với 10 lít nước tưới xung quanh) để kích thích cây ra rễ mới; cần xới nhẹ đất phía dưới để phá váng tạo thông thoáng bộ rễ đồng thời tiến hành chăm bón đúng quy trình kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển, tăng khả năng kháng bệnh.
5. Biện pháp phòng bệnh xì mủ trên cây có múi
Để hạn chế vườn cây có múi bị bệnh xì mủ, bà con cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Chọn vị trí đất trồng dễ thoát nước. Nếu đất bị úng hoặc thoát nước kém thì nên bón nhiều phân hữu cơ giúp thoát nước tốt, hạn chế làm cỏ trong mùa mưa, bố trí cây trồng trong vườn với mật độ thích hợp.
- Tạo sự thông thoáng cho khu vườn, đảm bảo cây có đủ ánh sáng mặt trời và rảnh để cây dễ thoát nước.
- Tránh gây thương tích vùng gốc và rễ cây.
- Thường xuyên kiểm tra mức độ phát sinh gây hại của bệnh nứt thân xì mủ, vàng lá thối rễ trên cây cam, bưởi nhất là những vùng bị bệnh gây hại nặng để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
- Ngoài ra, hàng năm nên tiến hành quét gốc cây bằng vôi nước hoặc quét lên bề mặt vết cắt bằng dung dịch đồng đỏ trước mùa mưa để cây không bị nấm gây bệnh xì mủ./.