|
Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.com.vn
|
Tỉnh Quảng Nam hiện có 40.000 ha diện tích đất trồng lúa. Trong đó, tỉnh đã chuyển đổi thành công hơn 2.500 ha đất trồng lúa bấp bênh do không chủ động được nguồn nước sang trồng ngô lai. Đến năm 2016, địa phương chuyển đổi thêm khoảng 7.500 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô.
Kết quả ban đầu cho thấy, những diện tích đã chuyển đổi trồng cây ngô lai, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, nhiều nơi có thể đạt 10 tấn/ ha. Trong khi đó, cùng diện tích như vậy, trước kia trồng lúa, năng suất cao nhất đạt 5 tấn/ 1ha.
Điểm thuận lợi, do ngô là cây trồng cạn nên chi phí đầu tư về phân bón, nước tưới, công chăm sóc thấp hơn lúa. Sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta ngô lai thu lãi khoảng 10 triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa.
Cụ thể, xã Tam An, huyện Phú Ninh là một trong những địa phương đang đẩy mạnh việc chuyển đổi giống cây trồng. Địa phương quy hoạch 20 ha đất trồng lúa bấp bênh sang trồng ngô lai. Ông Lương Đinh, thôn An Mỹ 2, xã Tam An cho biết, vụ Hè Thu thường thiếu nước, bà con nông dân phải dùng máy bơm liên tục, năng suất cây lúa không cao trong khi cây ngô khả năng chịu hạn tốt hơn.
Với những ưu điểm trên, tỉnh Quảng Nam đang triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn với loại cây trồng cạn này. Theo ông Trần Văn Tương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Quảng Nam, để hình thành các cánh đồng mẫu lớn đối với cây ngô, tỉnh tập trung xây dựng mô hình khuyến nông tại các địa phương với việc hỗ trợ 100% giống và hỗ trợ 30% vật tư, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp người dân thấy được hiệu quả và tự quyết định lựa chọn loại cây trồng chuyển đổi phù hợp.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, việc phát triển cây ngô là một định hướng lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam bởi ngô là một trong những cây trồng có nhiều lợi thế để phát triển nhân rộng so với các cây trồng cạn khác như: nghiên cứu giống có tiến bộ vượt bậc, nhu cầu thị trường lớn. Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn ngô hạt để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cùng với việc phát triển thâm canh cây lúa ở những vùng có điều kiện thuận lợi, việc đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ngô lai đang giúp người nông dân Quảng Nam nâng cao thu nhập, gắn bó với đồng ruộng, hạn chế được tình trạng đất ruộng bị bỏ hoang./.