Sa nhân là loài cây dược liệu tốt, quả có giá trị kinh tế cao, chỉ cần một lần trồng và các năm tiếp theo áp dụng biện pháp kỹ thuật chăm sóc tốt thì có quả thu hoạch nhiều năm liên tiếp (15-18 năm). Để giúp các hộ dân ở vùng trung du và miền núi phát triển cây Sa nhân dưới tán rừng có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài và bền vững Trung tâm Khuyến nông xin giới thiệu tới ba con kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch quả Sa nhân dưới tán rừng như sau:
Mô hình trồng thâm canh cây Sa nhân (gần 02 năm tuổi) dưới tán rừng trồng Keo
1. Chăm sóc cây sa nhân sau trồng
1.1. Tưới nước:
Sa nhân là cây ưa ẩm, vì vậy trong trồng trọt cần chú ý khâu tưới nước, nhất là giai đoạn cây con mới trồng. Khi trồng Sa nhân nếu không có mưa, đất khô phải tưới nước ngay. Trong vòng 2 - 3 tháng đầu cần thường xuyên tưới nước, để đất luôn ẩm, giữ cho cây giống luôn xanh tươi mới có thể nảy mầm được.
Khi cây chồi đã mọc lên khỏi mặt đất cho đến khi đẻ nhánh, tạo thành khóm nhỏ, việc tưới nước giảm dần, thậm chí không cần tưới. Tuy nhiên, nếu thời tiết khô hanh, năng nóng kéo dài thì cần phải tưới để cây sinh trưởng tốt.
*/ Cách tưới nước lúc mới trồng là trực tiếp vào gốc; khi cây đã mọc và thành khóm nhỏ nên dùng vòi phun lên cả cây.
1.2. Trồng dặm:
Vì một lý do nào đó (do chất lượng cây giống hoặc chăm sóc không đều), sẽ có một số nhánh bị chết, không mọc chồi. Khi phát hiện thấy, cần lấy các cây giống dự trữ, hoặc tách bớt một nhánh từ các khóm khác đem trồng dặm bổ sung vào ngay.
Cây trồng dặm cần chú ý chăm sóc tốt để cho cây nhanh hồi phục và nảy mầm.
2. Làm cỏ, bón phân
2.1. Làm cỏ:
Cách làm là dùng cuốc giẫy bỏ cỏ, nhưng xung quanh gốc Sa nhân thì dùng tay nhổ. Do cây Sa nhân mọc nông, thân rễ nổi trên mặt đất, bởi vậy, trong quá trình chăm sóc không cần vun gốc. Cỏ dại dẫy ra phơi dưới nắng sẽ khô sau thành mùn cho đất.
Trong vòng 1,5 - 2 năm đầu tiên, khi cây Sa nhân chưa phủ kín mặt đất, cứ 2 - 3 tháng làm cỏ một lần. Thậm chí trong 6 tháng đầu tiên 1-1,5 tháng một lần. Khi cây Sa nhân đẻ nhiều nhánh, lan tỏa từ khóm nọ sang khóm kia, mặt đất được che phủ, cỏ dại sẽ không mọc được nữa.
Cách chăm sóc cây sau trồng: Dùng cuốc giẫy bỏ cỏ, nhưng xung quanh gốc Sa nhân thì dùng tay nhổ
2.2. Bón thúc phân: Mỗi năm bón 1 lần
*/ Cách bón thứ nhất:
- Dùng chế phẩm Trichoderma ủ với lá khô, lá mục thu gom tại chổ và hỗn hợp phân hữu cơ vi sinh. Lượng phân bón 0,5 tấn/ha, bón vào tháng 3 hằng năm, trước khi cây ra hoa.
- Cách bón: rắc đều quanh gốc, khi cây đã mọc dày thành thảm thì rắc phân toàn bộ diện tích có cây Sa nhân.
*/ Cách bón thứ hai:
- Năm 1: Bón thúc bằng phân NPK-S (10:5.3.13) với lượng 1 tấn/ha, bón vào tháng 6-7 (sau khi làm cỏ).
- Năm thứ 2 và 3 mỗi ha bón 1 tấn NPK cộng thêm 1 tấn phân vi sinh trộn đều, bón vào tháng 3 (trước khi ra hoa).
- Cách bón là rắc đều quanh gốc, khi sa nhân đã mọc dầy thành thảm thì rắc phân toàn bộ diện tích có Sa nhân.
2.3. Làm vệ sinh vùng trồng Sa nhân:
- Trong quá trình chăm sóc Sa nhân, hàng năm phải phát luỗng dây leo, bụi rậm, chặt tỉa bớt cành và nhánh cây che bóng (sa nhân trồng thuần loại), sao cho độ che tán khoảng từ 30 - 50%.
- Trong vòng đời của Sa nhân, mỗi nhánh chỉ tồn tại trong thời gian 2 năm tuổi. Như vậy hàng năm sẽ có các thế hệ các nhánh già tự chết đi. Để tạo điều kiện cho cây ra hoa quả tốt, cần cắt bỏ những nhánh vàng úa (sắp tàn lụi) và vơ bỏ bớt lớp thảm mục dưới gốc (nếu thấy quá dày).
Công việc này cần tiến hành vào tháng 2 - 3 hàng năm, trước mùa hoa quả đầu tiên.
2.4. Phòng trừ sâu bệnh
Hiện tại chưa phát hiện thấy sau bệnh hại Sa nhân trồng một cách đáng kể. Ngoại trừ vào giai đoạn cây còn nhỏ ở vườn ươm (3 - 6 tháng tuổi), bị bọ rùa nhỏ ăn phần thịt lá non và một loại Sâu khoang nhỏ (Prodenia sp.) cuốn lá non. Tuy nhiên cần phải tiến hành theo dõi thường xuyên để có biện pháp phun trừ sâu bệnh hại ngay từ khi mới phát sinh.
3. Thu hoạch, sơ chế
3.1. Vụ thu hoạch
Quả chín vào tháng 6 đến tháng 11; sau khi trồng 1,5 - 2 năm cây cho quả bói, cho sản lượng ổn định từ năm thứ 4 trở đi. Phải thu hoạch đúng thời vụ mới cho chất lượng tốt nhất. Thu hoạch khi quả già, chín là lúc vỏ quả màu đỏ tía, kẽ gai thưa, quả cứng. Nếu để quả chín mọng quá 5 - 7 ngày mới thu hái thì quả mềm, hết cay, ít tinh dầu, quả kém giá trị; hoặc thu quả còn non sẽ cho hạt không mẩy, vị không chua, cũng kém giá trị.
3.2. Kỹ thuật thu hái
Thu hoạch tránh những ngày mưa, nên chọn ngày nắng ráo, đất tương đối khô để khi hái không làm gãy thân ngầm, tác động nhiều đến hệ rễ và làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Khi thu hoạch theo lối đi chăm sóc cây từ ban đầu. Chọn chùm quả già, dùng kéo cắt cuống chùm quả, nhặt cả quả rụng; quả non để thu hái đợt sau.
Nhận biết quả già: Khi quả già, các gai trên quả ngắn hơn so với khi còn non, bóp nhẹ thấy cứng, bóc vỏ ra thấy khối hạt có màu nâu vàng hay nâu, nếm phần áo hạt có vị ngọt.
- Củ thu hoạch về cần phân làm 3 loại:
+ Loại A: đường kính củ từ 1,2 cm trở lên.
+ Loại B: đường kính củ từ 0,8 - 1,1 cm trở lên.
+ Loại C: đường kính củ nhỏ hơn 0,8 cm.
- Sau khi thu hoạch, rửa sạch đất, tước bỏ phần lõi cứng của củ rồi đem phơi khô, cho vào bao bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng khí...
4. Bảo vệ:
Sa nhân thường bị trâu, bò, dê vào ăn lá, giẫm đạp làm nát cây trồng. Khi cây Sa nhân có quả thường bị các loài rùa, sóc, nhím và chuột ăn hoa và quả. Vì vậy, ta phải làm hàng dào bảo vệ toàn bộ diện tích trồng Sa nhân. Vật liệu làm hàng rào cần giữ được lâu bền, như dây thép gai với cột bê tông hay rào bằng tre hoặc cành cây gỗ. Về sau tốt nhất nên tạo hàng rào bằng cây xanh (hàng rào trồng bằng cây Mây) để bảo vệ cây trồng./.