Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Kỹ thuật trồng rừng ngập mặn loài cây Dừa nước
Người đăng: Phan Đăng Danh .Ngày đăng: 13/07/2021 15:03 .Lượt xem: 2667 lượt.
Dừa nước là loài thực vật duy nhất trong họ cau sinh sống trong đầm lầy, đây là môi trường dinh dưỡng để cây phát triển. Khác với môi trường đất, môi trường nước trong đầm lầy hội tụ nhiều thảm thực vật do lá rụng, than mùn hữu cơ và lượng phù sa bồi đắp hàng năm do thủy triều đưa vào.
Rừng dừa nướo trong Khu du lịch Vườn Dừa 7 mẫu tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

* Giới thiệu về cây Dừa nước

Tên thường gọi: Cây dừa nước

Tên gọi khác: Cây dừa lá

Tên khoa học: Nypa fruticans

Họ thực vật: Là loài thực vật trong họ Cau (Arecaceae)

Nguồn gốc xuất xứ: Cây dừa nước có nguồn gốc từ miền nam châu Á và Bắc Úc.

I. Điều kiện gây trồng

Dừa nước thường mọc trong những vùng đầm lầy dọc hai bên bờ sông hay ven cửa biển có thủy triều lên xuống. Hoặc những dòng sông, kênh, rạch nước chảy chậm bồi đắp phù sa dinh dưỡng.

- Đất trồng rừng dừa nước là đất nhiều sét 68 - 73%, phù sa 25 - 30%, cát 1 - 2%, trên các bãi bồi ngập mặn ven biển, có mức độ ngập triều trung bình và thấp.

- Độ mặn nước biển thích hợp nơi trồng rừng từ 5 - 15‰. Nếu độ mặn vượt quá 20‰ cây bị chết.

- Trên dạng đất sét rắn chắc, đi không lún mà chỉ ngập nước khi thủy triều cao bất thường hay đất nhiều cát, mặt đất có nhiều cỏ chịu mặn trồng rừng cây sinh trưởng và phát triển rất kém.

II. Thu hái và bảo quản giống

1. Nguồn trái giống

- Nguồn giống được thu, hái trong rừng ngập mặn nơi có Dừa nước phân bố tự nhiên. Cây ra hoa vào mùa hè và mùa thu. Mùa quả chín từ tháng 8 - 10.

2. Thu hái và bảo quản

a. Kỹ thuật thu hái

- Thu lượm trụ mầm chín trên mặt nước, khi thủy triều đưa ra biển rồi dạt vào những bờ biển thoai thoải hoặc chặt các buồng quả già. Buồng quả già khi chín có mầu nâu thẫm.

*/ Một số thông số cơ bản:

- Khi chín quả dài 10 - 12 cm, đường kính quả từ 5 - 6,0 cm.

- Số lượng quả trên một buồng: từ 38 - 63 quả cũng có khi 50 - 120 quả.

- Tỷ lệ nảy mầm 85 - 90%.

b. Phân loại, bảo quản

- Quả sau khi thu hái về phải tiến hành phân loại. Loại bỏ những quả còn non, những quả bị sâu bệnh. Những quả từ buồng quả dùng tay tách rời quả.

- Khi không cấy kịp vào bầu cần bảo quản bằng cách ngâm trong nước lợ hoặc để nơi râm mát hàng ngày tưới nước, thời gian không để quá 1 tháng.

III. Tạo cây con

1. Chọn lập vườn ươm

- Vườn ươm phải gần nơi trồng rừng và thuận lợi cho việc vận chuyển cây con.

- Vườn ươm bố trí và lựa chọn cẩn thận ở nơi ngập triều trung bình trong năm, tốt nhất ở nơi ngập triều trung bình từ 20 - 25cm, độ mặn nước biển từ 5 - 15‰, ít chịu tác động của sóng biển, có bờ ao xung quanh để bảo vệ.

- Vườn phải đặt xa nơi nguồn bệnh và tách rời xa khu canh tác nông nghiệp, nơi chăn thả gia súc, tránh nơi thủy triều rút quá nhanh, nơi hay bị phù sa bồi lắng.

2. Kỹ thuật tạo cây con

a. Vỏ bầu

- Loại túi bầu: Sử dụng túi bầu polyetylene (PE) hoặc túi bầu sinh học có độ bền cao chịu được điều kiện ngâm trong nước biển, không bị hư hỏng trong quá trình đóng bầu, chăm sóc và vận chuyển cây con đi trồng rừng; có lỗ nhỏ ở xung quanh đáy bầu để lưu chuyển nước. Kích thước túi bầu 18x22cm (chu vi 36cm, cao 22cm) hoặc bầu 22x25cm (chu vi 44 cm, cao 25 cm) hoặc bầu có thể tính tương đương với kích thước trên.

b. Thành phần hỗn hợp ruột bầu

- Sử dụng loại đất cát pha ngập thủy triều hàng ngày để đóng bầu (đất được lấy ở tầng mặt có độ sâu 0 - 20cm, pH = 6,0 - 6,5; nơi có độ mặn nước biển 5 - 15‰, cát 1 - 2%, sét 63 - 74%, limon 35 - 36%).

c. Xếp bầu trên luống và kỹ thuật đảo bầu

- Trang mặt luống cho phẳng, cày bừa, nhặt sạch cỏ. Kích thước luống đặt bầu chiều rộng từ 1,0m - 1,2m, chiều dài phụ thuộc vào mặt bằng thực tế, hai luống cách nhau 50cm, có rãnh thoát nước khi thủy triều rút.

- Xếp bầu theo hàng, cứ hai hàng để cách một hàng, lấp đất xung quanh luống để giữ bầu.

- Từ tháng thứ hai cứ 2 tháng đảo bầu một lần, bằng cách dịch chuyển bầu để tránh rễ cắm sâu vào đất. Tiến hành đảo bầu kết hợp với phân loại cây vào thời gian thủy triều rút.

d. Cấy cây

- Cấy quả: cắm 1/3 chiều dài quả trực tiếp vào bầu đất nghiêng một góc 450 với mặt bùn.

- Mỗi bầu chỉ cấy 1 quả.

- Cấy quả vào ngày râm mát, tránh ngày mưa bão.

e. Chăm sóc phòng trừ sâu bệnh

- Sau khi cấy quả vào bầu 5 - 7 ngày hạt nảy mầm cây con còn yếu nên điều tiết nước ngập 3 - 4 giờ/ngày.

- Hàng ngày gỡ bỏ rong, rêu, vật cản bám vào trụ mầm.

- Sau khi cấy quả thường bị một số loài giáp xác, thân mềm, chân bụng, cua còng, ốc biển, hà sun,… tấn công trụ mầm. Vì vậy, thường xuyên theo dõi bắt bỏ các loài động vật này đề phòng cắn nát trụ mầm.

f. Cấy dặm

Sau khi cấy vào bầu 10 - 15 ngày, quả nảy mầm tới 50%, sau 30 ngày quả nảy mầm hoàn toàn, tỷ lệ nảy mầm đạt tới 85%. Sau thời gian này quả nào không ra lá cần tiến hành cấy dặm ngay.

g. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn

- Tuổi cây: 6 - 7 tháng tuổi.

- Chiều cao trung bình của lá: 45 - 50 cm.

- Số lá trên cây: 4 - 5 lá.

- Cây không bị nhiễm bệnh.

- Cây không bị cụt ngọn.

IV. Trồng rừng

1. Thời vụ trồng

Thời vụ trồng rừng ngập mặn là từ tháng 4 đến tháng 7, chọn thời điểm gió yếu, sóng biển thấp và thủy triều rút.

2. Phương thức trồng

- Trồng thuần loài, bố trí theo hình vuông hay nanh sấu.

- Trồng hỗn giao theo hàng với một số loài cây như Bần chua tùy theo điều kiện lập địa từng vùng.

- Cũng có thể trồng hỗn giao theo đám với Bần chua.

3. Mật độ trồng

- Mật độ trồng rừng: 625 cây/ha.

- Cự ly trồng: Cây cách cây 4,0m, hàng cách hàng 4,0m.

4. Kỹ thuật trồng

- Trồng rừng trực tiếp bằng quả bằng cách đặt quả nghiêng một góc 450 với mặt bùn. Đầu trên (đầu dính vào trục của cuống buồng quả) nhô lên khỏi mặt nước 0,5cm, phần còn lại của quả chìm trong bùn.

- Trồng bằng cây con có bầu vào tháng 3 - 4, bóc vỏ bầu trước khi trồng. Không làm đứt rễ để tránh xâm nhập mặn.

- Kỹ thuật trồng: Trồng cây khi thủy triều rút. Dùng dây nilon thắt nút chia thành các đoạn 4m, kéo thẳng hàng để trồng đúng khoảng cách. Biện pháp dễ làm nhất là dùng một đoạn tre hoặc luồng dài 4m. Lắp răng dài 10cm với khoảng cách 4m x 4m (giống như một cào cỏ). Một người cầm cào này kéo theo một đường thẳng trên mặt bùn. Sau đó lại dùng cào kéo theo chiều vuông góc tạo thành những ô vuông thẳng hàng ngang dọc.

Ở những nơi đất cao, cứng chỉ ngập triều cao, có thể dùng cuốc để cuốc hố 50cm x 50cm x 40cm. Cho vào hố một lớp bùn dày 25 - 30cm, trồng cây trong lớp bùn này.

V. Chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng

1. Chăm sóc

*/ Thời gian chăm sóc 3 năm.

- Sau khi trồng rừng từ 3 - 6 tháng, cần vớt bỏ rong, rêu, tảo bám trên thân, lá (nếu có) tạo điều kiện cho cây con quang hợp tốt.

- Bắt cua, còng, ốc ăn lá cây. Khi phát hiện sâu non dùng tay bắt giết, hoặc rung cây cho sâu rơi để giết.

- Bảo vệ các loài thiên địch như chim ăn sâu, một số loài côn trùng có lợi như bọ ngựa, các loài ong ký sinh trên trứng và sâu non của sâu hại cây ngập mặn.

- Chọn và sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu hại như các chế phẩm Beauverine (B.B), Bacilline (B.T), Virut, Metarrhizium,…

Khai thác du lịch tạo sinh kế cho cư dân quanh vùng Khu vườn Dừa 7 mẫu tại TP Hội An, Quảng Nam

2. Quản lý, bảo vệ

Chỉ sử dụng biện pháp phun thuốc hoá chất trong trường hợp sâu hại xuất hiện lan tràn với mật độ cao, có nguy cơ bùng nổ thành dịch. Nên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc thực vật, chóng phân giải, ít độc hại với người và gia súc như các loại thuốc có gốc Perythroide,…

- Làm hàng rào bảo vệ chắn rác, hạn chế tàu thuyền đi lại bằng các vật liệu sẵn có tại địa phương. Trong quá trình chăm sóc, hàng năm cần tu sửa lại hàng rào để bảo vệ rừng non.

- Làm các biển báo nghiêm cấm các hoạt động khai thác, đánh bắt các loài thủy sản trong khu vực trồng rừng. Nghiêm cấm neo đậu tàu thuyền trong khu vực rừng mới trồng. Ngăn ngừa trâu, bò gia súc phá hoại.

- Ngăn chặn các hành vi chặt, phá rừng, xâm hại rừng và phòng trừ các loài sinh vật, sâu bệnh hại.

- Không được đắp đất, quây lưới ngăn dòng chảy trong rừng trồng để nuôi trồng thủy sản hoặc sản xuất kết hợp trong 3 năm đầu. Các năm tiếp theo, nếu có các hoạt động nuôi trồng thủy sản, cần có phương án tránh tổn hại đến rừng trồng./.

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG NGẬP MẶN LOÀI CÂY MẤM TRẮNG
Kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch Sa nhân dưới tán rừng
Kỹ thuật ghép đoạn chồi non cho cây ăn quả trong cải tạo vườn tạp
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TẠM THỜI TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY XOAN ĐÀO (Prunus arborea (Blume) Kalkman)
TRIỂN KHAI DỰ ÁN TRỒNG CÂY ĐẢNG SÂM XEN NGÔ NẾP TẠI XÃ CH’ƠM
Triển vọng từ mô hình trồng cây Giổi lấy hạt
Giao nhận cây giống, phân bón thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn cây Lim xanh.
Các tin cũ hơn:
Năm 2016, hoàn thành trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Kỹ thuật trồng chuối mốc
Kỹ thuật trồng Lâm sản ngoài gỗ
Kỹ thuật trồng và khai thác cây Song mật
Canh tác nương rẫy bền vững
Kỹ thuật cải tạo vườn tạp
KỸ THUẬT GIEO ƯƠM VÀ GÂY TRỒNG CÂY BỜI LỜI ĐỎ
Kỹ thuật trồng rừng keo lai nuôi cấy mô thâm canh
Bệnh Thán thư hại cây ăn quả và biện pháp xử lý
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây xoan ta - Tên khoa học: Melia azedarach L
    
1   2   3   4   5   6  
    







Liên kết Web

THÔNG TIN NGƯỜI PHÁT NGÔN

Họ và tên: Lương Thị Thủy

Chức vụ: Giám đốc

Số điện thoại: 0988.336.228

Email: thuylt3@quangnam.gov.vn

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00007175803

    Lượt trong ngày 4323
    Hôm qua: 4845
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 47
    Tổng số 7175803