Trồng cây cỏ lạc dại trong vườn cây ăn trái giúp cho các nhà vườn tiết kiệm được đáng kể về nhân công làm cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và lượng nước tưới cho cây trồng, nhất là trong những tháng khô hạn ở vùng đất Tây Nguyên;
Hình ảnh: Sử dụng thảm thực vật (cỏ lạc dại) cho vườn cây ăn trái
Gia đình anh Phạm Xuân Đạt ở xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột nhận thấy, sau hơn hai năm áp dụng trồng thảm cỏ lạc dại cho 2ha vườn cây ăn trái, những diện tích trồng thảm cỏ lạc dại so với diện tích đất được canh tác truyền thống dùng thuốc, hay dùng sức lao động để trừ cỏ có sự khác biệt rất lớn về chất đất, sức sinh trưởng, cũng như năng suất và sản lượng của các loại cây ăn quả;
Anh Đạt chia sẻ: “Trồng lạc dại không chỉ đẹp mà còn tạo thành một lớp mặt giúp giữ ẩm cho đất, chống trôi chất dinh dưỡng và xói mòn trong mùa mưa. Hiện, gia đình tôi không phải làm cỏ nữa, mỗi năm chỉ mất một ít công để hạn chế chiều cao của cỏ chứ không phải cắt diệt tận gốc như trước đây. Cỏ sau khi cắt cũng trở thành nguồn phân giúp cải tạo đất". Việc diệt cỏ bằng thuốc cũng làm chai đất, còn dùng cuốc xới làm trôi chất dinh dưỡng, bạc màu đất…;
Hiện nay trên địa bàn xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột nhiều trang trại trồng rau cũng áp dụng thảm thực vật bằng vỏ lạc (đậu phụng) cho vườn cây, không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công làm cỏ so với trước đây mà còn làm tăng thêm độ tơi xốp, chống xói mòn cho đất, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Trồng rau xanh phải tưới nước thường xuyên nên đất lúc nào cũng ẩm, cỏ mọc rất nhiều, hàng tháng phải tốn rất nhiều công làm cỏ nhưng khi áp dụng thảm thực vật đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn môt, hai lần thôi. Bình quân, mỗi héc ta trồng rau chi phí tiền bỏ ra mua vỏ lạc là từ 10 đến 12 triệu đồng để thực hiện thảm thực vật, nhưng so với việc thuê công làm cỏ giảm được gần gấp đôi. Không chỉ vậy, khi vỏ lạc mục làm cho đất thêm tơi xốp, màu mỡ hơn…” anh Đạt vui vẻ chia sẻ;

Hình ảnh: Sử dụng thảm thực vật (vỏ lạc) cho vườn rau ở thành phố Buôn Ma Thuột
Việc sử dụng thảm thực vật cho cây trồng được nông dân trên địa bàn xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột áp dụng đã từ lâu nhưng những năm gần đây mới phát triển mạnh. Ngoài áp dụng cho các diện tích cây ăn trái, nhiều hộ dân còn áp dụng cho cả các loại cây ngắn ngày, thậm chí trên cả những diện tích cây hồ tiêu…;
Nhìn chung, các loại thảm cỏ được người dân chọn trồng là cây cỏ lạc dại và thảm thực vật chủ yếu là vỏ cây lạc. Đây là cách làm hay, theo xu hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, giúp cải tạo, bảo vệ đất và tạo môi trường thuận lợi để cây trồng phát triển./.
Phan Đăng Danh
(Tổng hợp giới thiệu)