Ngày 23/7/2020, UBND huyện Nam Giang, Chương trình Tầm nhìn thế giới (World Vision) Khu vực Miền Trung và Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Nông nghiệp liên kết hướng đến thu nhập bền vững cho đồng bào thiểu số” huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Công bố Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Dự án
Đến dự Hội thảo có đại diện các Sở, ngành ở tỉnh, đại biểu huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, các hội đoàn thể, cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện Nam Giang, chính quyền địa phương và đại diện các hộ hưởng lợi dự án của 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đặc biệt là có sự tham gia của một số doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, đại diện một số cửa hàng, siêu thị có nhu cầu xây dựng mối liên kết tiêu thụ sản phẩm được tạo ra từ Dự án.
Dự án “Nông nghiệp liên kết hướng đến thu nhập bền vững cho đồng bào thiểu số” trên địa bàn huyện Nam Giang được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt trên cơ sở nguồn vốn từ Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Bang Đức và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Đức tài trợ. Giám đốc Chương trình khu vực Miền Trung (World Vision) là cơ quan quản lý DA và Tổ chức CRD làm đơn vị tư vấn, trực tiếp triển khai thực hiện.
Quang cảnh Hội thảo tại hội trường UBND huyện Nam Giang
Dự án được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ tháng 01/3/2020 đến tháng 30/9/2022), tại các xã: Cà Dy, Tà Bhing, Tà Pơơ, Chà Val và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Tổng kinh phí tài trợ cho hoạt động của dự án là 550.173 EURO (tương đương với 14,85 tỷ đồng VN).
Mục tiêu của dự án là cải thiện sinh kế, tạo thu nhập bền vứng thông qua phát triển chuỗi giá trị heo đen (giống heo cỏ địa phương) và tăng cường sự tham gia của cộng động dân tộc thiểu số trong vùng Dự án. Đối tượng hưởng lợi của Dự án bao gồm 5 xã, thị trấn của huyện Nam Giang. Trong đó có 600 hộ nghèo và cận nghèo tương ứng với 2.400 người, trong đó có 1.200 trẻ em được hưởng lợi thông qua 07 hoạt động chủ chốt của Dự án.
Dự án thực hiện phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Nam giang nói riêng; Tạo điều kiện liên kết sản xuất tập trung, duy trì hình thức Hợp tác xã/ Tổ hợp tác; Huy động sự tham gia của khối tư nhân và tổ chức dân sự vào sự phát triển sinh kế của cộng đồng; Xác định sản phẩm có lợi thế của vùng, miền; đẩy mạnh liên kết 4 nhà; Thử nghiệm Mô hình hợp tác mới: Dân + Doanh nghiệp xã hội.

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm
Thông qua việc triển khai xây dựng Dự án, hy vọng sẽ hình thành được chuỗi giá trị heo đen từ sản xuất, thu mua, giết mỗ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ...để nâng giá trị gia tăng sản phẩm đặc sản đặc hữu này. Qua đó góp phần cải thiện đời sống người dân, hướng đến mục tiêu cuối cùng là tăng thu nhập một cách ổn định./.
Một số sản phẩm, sản vật địa phương của đồng bào vùng Dự án
trưng bày tại Hội thảo