|
Qua mùa đông, cây dâu được chặt gốc chuẩn bị vụ mới. Ảnh: VĨNH LỘC |
Từ sáng sớm, ông Nguyễn Tuấn (thôn Thạnh Mỹ, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn) cùng 3 nhân công đã tất bật ra bãi phát chặt 1,5 mẫu gốc dâu, bắt đầu cho vụ dâu mới. “Thông thường sau tháng 10 hoặc tháng 11 âm lịch cây dâu sẽ trụi lá nên phải chặt gốc, vô phân để cây nứt lá lên đều, nhưng năm qua do dâu trồng trễ nên mình chặt trễ” - ông Tuấn giải thích.
Những gốc dâu ông Tuấn chặt có tuổi đời khoảng 8 tháng tuổi, được trồng theo dự án thí điểm phục hồi vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm, do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Hội An thực hiện trên diện tích 3ha tại bãi bồi thôn Thạnh Mỹ. Ông Tuấn là một trong số 10 hộ nông dân thôn Thạnh Mỹ và Bến Đền Tây, xã Điện Quang được dự án chọn thực hiện.
|
Ông Nguyễn Tuấn với 1,5 mẫu dâu của mình. Ảnh: VĨNH LỘC |
Dù lá dâu đạt năng suất cao nhưng vì giống kén không đạt nên năm đầu ông Tuấn chỉ làm được 2 mí tằm (2 lứa), thu nhập khoảng 7 triệu đồng. “Năm qua xem như không đạt yêu cầu, cũng may thân cây được bán cho Công ty Hoàng Mai (Duy Xuyên) mua làm hom giống (giá 3.000 đồng/ký) nên cũng đỡ phần nào. Năm này phải đổi giống kén từ Lâm Đồng thì hiệu quả mới cao được” - ông Tuấn nói.
Gò Nổi một thời được mệnh danh là thủ phủ của dâu tằm. Thời vàng son của dâu tằm Gò Nổi diễn ra cách đây đã gần 30 năm, hầu như nhà nào cũng trồng dâu nuôi tằm, ít thì 1 - 2ha, nhà trồng nhiều có khi lên đến hàng trăm héc ta. Chỉ tính giai đoạn 1987 - 1992, mỗi năm xã Điện Quang xuất ra thị trường gần 20 tấn tơ, trong làng lúc nào cũng rộn ràng tiếng thoi đưa dệt lụa. Tuy nhiên, giai đoạn 1993 - 1996, diện tích trồng dâu thu hẹp dần.
|
Người dân gom thân dâu bán cho Công ty Hoàng Mai làm hom giống. Ảnh: VĨNH LỘC |
Để vực dậy làng nghề, tháng 6.2018, HTX Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với UBND xã Điện Quang tiến hành giao đất cho người nông dân trồng dâu nuôi tằm thí điểm trên diện tích 3ha. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang khẳng định, nghề trồng dâu nuôi tằm làm rất khỏe, khi vào mùa chỉ cực khoảng 7 ngày đầu, nhưng hiệu quả mang lại cao gấp 5 - 10 lần các loại hoa màu và cây lúa. Đặc biệt, cây dâu là loại cây rất “sạch” với môi trường vì không dùng thuốc trừ sâu. Chưa kể, cây có tác dụng lớn trong bảo vệ đất đai, mỗi mùa lũ lụt cây dâu nằm xuống ôm đất và tích lũy phù sa, ngăn sạt lở.
“Trung bình một năm cây dâu được hái 9 đợt (9 mía), nhưng do năm vừa rồi trồng trễ, một số hộ cũng chưa thật sự chuẩn bị và tập trung cho dâu nên chỉ thu hoạch được 2 mía với khoảng 240 ký kén, tuy chưa nhiều nhưng ban đầu như vậy cũng tốt rồi. Sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu đa dạng hơn sản phẩm từ cây dâu như chế biến trà lá dâu; rễ dâu, thân dâu ngâm rượu uống giúp an thần, nhất là với những người già” - ông Thành chia sẻ.
|
Với giá bán thân dâu 3.000 đồng/ký sẽ giúp người nông dân có thêm khoản thu nhập. Ảnh: VĨNH LỘC |
Theo ông Thành, sau khi chặt sát gốc, dâu nứt lên, người trồng chỉ chọn những mầm tốt (khoảng 5 mầm), còn lại ngắt bỏ để cây dâu lên mạnh nhất. Hiện nhiều công ty ở Bình Định, Nha Trang, Quảng Ngãi… đăng ký mua kén nhưng HTX không đủ cung cấp. “Có thể khẳng định, bây giờ thị trường đầu ra không thiếu. Thậm chí tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá kén cũng đã 200 nghìn đồng/ký, kể cả nếu mình nuôi kén để bán tằm nhộng giá cũng 80 nghìn đồng/ký, nhưng về tâm linh mình không làm. Năm rồi xem như khởi động, năm nay sẽ tập trung làm mạnh hơn, kể cả nghiên cứu mở rộng diện tích trồng” - ông Thành cho biết.
VĨNH LỘC